Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được tổ chức giữ ổn định như năm 2020 đã được Bộ GDĐT chính thức thông báo. Với những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2021 không chỉ cần chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng cho kỳ thi này mà theo các chuyên gia, cần tận dụng thêm những cơ hội khác để đỗ được vào ngành, trường mình yêu thích.
Nhiều trường đưa ra tiêu chí phụ
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa thông báo có khoảng 40 thí sinh là tân sinh viên… hụt của nhà trường do khi xét tuyển học bạ 5 kỳ học bậc THPT không đảm bảo điều kiện nhà trường đưa ra.
Điều đáng nói, nhiều trường hợp trong số đó đã nhận lớp, đóng phí học kỳ I và nhiều khoản thu đầu năm khác, học trên lớp được một tuần rồi… mới nhận được thông báo trượt ĐH.
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, việc các trường hậu kiểm học bạ sau khi thí sinh trúng tuyển, tới làm thủ tục nhập học là không sai so với quy định nhưng nếu như việc hậu kiểm này diễn ra ngay thời điểm các em mang hồ sơ tới nhập học thì ít nhiều cũng sẽ khiến thí sinh dễ xoay xở hơn.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng cho biết đã tiếp nhận một thí sinh trượt ĐH Dược Hà Nội do không đủ điều kiện học bạ vào Khoa Công nghệ thông tin của trường.
Trước đó, thí sinh này cũng đã gửi đơn đến Bộ GDĐT xin xét tuyển nguyện vọng 2 sau khi em biết mình rớt nguyện vọng 1. Bộ GDĐT đã có công văn đề nghị trường xem xét nguyện vọng của thí sinh.
Trên thực tế, cùng một mức điểm như nhau nhưng có thí sinh đỗ, thí sinh trượt vào trường là câu chuyện tuyển sinh năm nào cũng xảy ra với hầu như tất cả các trường.
Ông Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết tùy từng trường đưa ra các tiêu chí phụ “lọc” bớt thí sinh, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Có tiêu chí phụ là để chọn trong số rất nhiều thí sinh có cùng mức điểm bởi có thời điểm, có những ngành kỷ lục tới 120 thí sinh bằng điểm nhau. Vì vậy, nếu không muốn vượt chỉ tiêu, các trường phải đưa ra tiêu chí phụ.
Một tiêu chí phụ phổ biến đối với các trường năm nay đó là xét kèm điểm học bạ theo tổ hợp thí sinh đăng ký cùng với điểm thi tốt nghiệp 2020 nhằm đánh giá cả quá trình học phổ thông thay vì chỉ căn cứ vào các bài thi, chủ yếu là trắc nghiệm có phần may rủi.
Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích của kỳ thi quốc gia năm nay nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT thay vì kỳ thi “2 trong 1” như trước đây. Tuy nhiên, điều này bất lợi ở chỗ chỉ có thể kiểm tra học bạ sau khi thí sinh làm thủ tục nhập học, nghĩa là đã gửi giấy báo trúng tuyển rồi lại thông báo trượt khiến thí sinh và gia đình ngỡ ngàng.
Lúc này, vai trò của các trường rất quan trọng khi phải có công văn đến Vụ Giáo dục ĐH nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh này tiếp nối hành trình giảng đường ĐH ở những ngôi trường khác.
Đây là bài học không mới cho cả thí sinh và người nhà trong việc đăng ký tuyển sinh ĐH năm nào cũng “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để không bỏ lọt cơ hội của mình, đăng ký nguyện vọng vào những trường biết là sẽ trượt 100% dù thi điểm cao bao nhiêu chăng nữa.
Theo dõi thông tin để tránh trượt oan
Theo kinh nghiệm của Nguyễn Lâm Duy, tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân, vào ĐH hiện nay không chỉ có một con đường duy nhất. Tùy vào đề án tuyển sinh của trường mà thí sinh có thể cân nhắc bổ sung cho mình những lợi thế tốt nhất.
Chẳng hạn, trường tổ chức thi đánh giá năng lực, xét học bạ hay xét tuyển ưu tiên đối với các giải thưởng ở các lĩnh vực khác nhau… thí sinh không nên bỏ qua cơ hội mà nên tham dự tất cả.
Nhiều chuyên gia giáo dục góp ý: Tương lai xa hơn, Việt Nam cần có các trung tâm khảo thí chất lượng, giống như các đơn vị tổ chức bài thi SAT, ACT của Mỹ. Như thế, mặt bằng chất lượng vào ĐH sẽ không có sự khác biệt giữa các trường. Các trường khi tuyển chỉ cần thêm một, hai tiêu chí nữa như bài phỏng vấn, thư giới thiệu,… Lúc đó, hẳn thí sinh cũng không lo trượt oan kiểu như này nữa.
Đặc biệt, nhiều trường ưu tiên xét tuyển kết hợp với các chứng chỉ tiếng Anh nên đây là một lợi thế, các thí sinh có thể chuẩn bị bồi dưỡng và thi các chứng chỉ này từ sớm để có thêm cơ hội cho mình.
Việc chỉ trông chờ vào việc xét tuyển ĐH từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có phần may rủi do nhiều trường đã dành chỉ tiêu cho các phương thức khác rồi nên điểm trúng tuyển bằng phương thức này có thể đội lên cao, thí sinh khó đỗ vào ngành học, trường học mình mong muốn.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết phương thức xét tuyển của các trường ĐH rất đa dạng, cập nhật thường xuyên, nên hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Bộ GDĐT cũng không thể theo kịp.
Năm nay có thể thế này, năm sau lại thay đổi nên thí sinh cần theo dõi thông tin trên các trang web của nhà trường, các số điện thoại đường dây nóng, các kênh truyền thông đại chúng… để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho mình, tránh bị trượt oan uổng vì những tiêu chí phụ.
GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng trước mắt việc Bộ GDĐT tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp chung để các trường có một cơ sở chung để xét tuyển vẫn đang phù hợp.
Hơn nữa, thí sinh cũng sẽ không mất công, mất sức, mất của để khăn gói tham gia hết kỳ thi của trường này đến trường khác để tìm kiếm một cơ hội trúng tuyển. Đây là mong mỏi không chỉ của thí sinh mà còn là của rất nhiều trường ĐH khi thời gian chuẩn bị gấp gáp, chưa kịp thích ứng.