30 điểm mới đỗ ngành Hàn Quốc học, Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) là một trong những bất ngờ lớn của điểm chuẩn ĐH năm nay. Nhiều chuyên ngành của các trường khác cũng có điểm chuẩn cao ở mức trên 9 điểm/môn.
Ngành hot hút thí sinh
Một số ngành khác của trường cũng có điểm chuẩn cao kỷ lúc là ngành Đông phương học 29,75; ngành Quan hệ công chúng 29 (khối C00).
ĐH Bách khoa Hà Nội lấy đến 29,04 điểm, tăng 1,62 điểm so với năm ngoái đối với ngành Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính (IT1). 4 ngành khác của trường cũng xác định điểm trúng tuyển trên 28.
Năm 2020, điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Y Hà Nội theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 28,9 điểm của ngành Y đa khoa (đào tạo tại Hà Nội). Ngành Răng - Hàm - Mặt lấy 28,65 điểm.
Trường ĐH Y Dược TP HCM công bố điểm chuẩn ngành Y đa khoa có điểm trúng tuyển cao nhất là 28,45 với tổng số 314 thí sinh trúng tuyển. Ngành Y khoa (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) 27,70 điểm với 100 thí sinh trúng tuyển.
Điểm chuẩn ĐH Sư phạm Hà Nội tăng 0,5-2 điểm so với các năm trước. Ngành cao nhất có điểm trúng tuyển đến 28 (tổ hợp A0) và 27 điểm (tổ hợp D1) là Sư phạm Toán dạy bằng Tiếng Anh.
Điểm chuẩn nhiều trường top đầu tăng cao đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia tuyển sinh, đặc biệt là ở những ngành hot cho thấy xu hướng chọn ngành học dễ kiếm việc làm, lương cao đang là một thực tế trong hướng nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh điểm chuẩn của các trường tốp giữa và dưới vẫn ở mức trung bình. Với những ngành khó tuyển của các trường dù lấy ở mức sàn vẫn thiếu chỉ tiêu.
Năm học này, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã quyết định ngưng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công vì ít thí sinh đăng ký nguyện vọng. Trong khi đó, ngành Thiết kế thời trang chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Ngành Điện tử viễn thông - chất lượng cao Việt - Nhật, ngành Môi trường - chất lượng cao dù điểm chuẩn bằng sàn 19,5 vẫn không tuyển được.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) có 3 ngành khó tuyển là Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học lấy điểm chuẩn 17 vẫn chưa đủ chỉ tiêu…
Điểm cao vẫn trượt?
Lý giải về điểm chuẩn các trường ĐH năm nay tăng cao, bà Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, đồng thời với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, và do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.
Với một số điểm chuẩn “gây sốc” như ngành Hàn quốc học (khối C), bà Thủy lý giải do thí sinh có nguyện vọng đăng ký đông. Trong khi đó các trường ĐH đưa ra nhiều phương thức xét tuyển như xét tuyển kết hợp, xét học bạ, xét tuyển thẳng và dành đến 40 - 50 chỉ tiêu cho các phương thức này nên chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT giảm gần 1 nửa so với mọi năm.
Đối với một số thí sinh điểm cao hoặc rất cao nhưng không trúng tuyển đợt 1, bà Thủy cho biết rơi vào một số thí sinh chỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Trong khi theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành.
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng cơ hội phụ thuộc thí sinh có đăng ký đầy đủ nguyện vọng hay không. Nhiều thí sinh không hiểu được xét tuyển trên toàn quốc nên chỉ đăng ký 1-2 nguyện vọng, lại đều là nguyện vọng có điểm đầu vào tăng cao. Đến khi không đạt được nguyện vọng đã đăng ký thì không còn cơ hội nào khác nữa. Ngoài ra, nhiều trường còn kèm theo các tiêu chí phụ nên không ít thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không đạt tiêu chí phụ cũng trượt.
Tuy nhiên, thí sinh vẫn còn cơ hội với các đợt xét tuyển bổ sung sắp tới. Cần theo dõi sát sao những thông tin về tuyển sinh từ các ngành, các trường mà mình yêu thích trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng để nộp hồ sơ xét tuyển.
* Thí sinh đã trúng tuyển vào các trường ĐH sẽ phải làm thủ tục nhập học trong khoảng thời gian 5 ngày, kết thúc trước 17h ngày 10/10.
* ĐH Thăng Long nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt bổ sung bắt đầu từ chiều 6/10. Điều này dẫn đến việc rất đông thí sinh, phụ huynh đến ĐH Thăng Long để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung, thậm chí có những người thức đêm để chờ nộp hồ sơ.
Vụ Giáo dục ĐH cho biết, tất cả những trường xét tuyển bổ sung trước ngày 10/10 đều là sai quy định và bị Bộ GDĐT nhắc nhở. Bộ GDĐT lưu ý các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp. Những trường hợp vi phạm nguyên tắc này, Bộ GDĐT sẽ nắm bắt để kịp thời nhắc nhở, cảnh cáo, đảm bảo quyền lợi thí sinh và công bằng trong tuyển sinh.