Tuyển sinh ĐH 2021: Tạo thuận lợi hơn cho thí sinh

Thu Hương 26/03/2021 06:36

Ngày 25/3, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Sư phạm năm 2021. Về cơ bản, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết sẽ giữ ổn định nhất có thể trong khâu tổ chức tuyển sinh và cải tiến những điều còn bất cập để có những thuận lợi hơn cho thí sinh.

Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Được thay đổi nguyện vọng 3 lần

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết một số nội dung mới trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ Sư phạm năm 2021, đó là: Thí sinh đăng ký nguyện vọng (NV) tuyển sinh ĐH, CĐ Sư phạm bằng 1 trong 2 hình thức: Bằng phiếu hoặc trực tuyến tại những nơi có điều kiện; Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần.

Bộ GDĐT quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực. Theo đó, điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định chung của chương trình/ngành tuyển sinh.

Thí sinh sử dụng Phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học. Thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.

Bộ GDĐT cũng thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, trong những năm qua, sự đổi mới về công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Bộ GDĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố cải tiến một số yếu tố kỹ thuật; từng bước giữ ổn định tuyển sinh trong những năm tiếp theo. Cụ thể, những điều chỉnh trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 ngày càng tốt, nhất là sự đồng thuận của các trường trong việc hợp tác để xây dựng quy chế.

Năm 2021, Bộ GDĐT giữ ổn định nhất có thể trong khâu tổ chức tuyển sinh. Đồng thời, phát hiện chỉ ra những sai sót, bất cập của công tác tuyển sinh năm 2020 và các năm trước để cải tiến và có những thuận lợi hơn cho thí sinh. “Năm nay cải tiến chủ yếu về mặt kỹ thuật, cho phép thí sinh đăng ký online ở nơi có điều kiện. Trong đợt điều chỉnh chỉ tiêu, thí sinh được thực hiện tối đa 3 lần trong khoảng thời gian cho phép. Ngoài ra là một số điều chỉnh kỹ thuật nhỏ khác để đảm bảo chặt chẽ hơn trong công tác tuyển sinh” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Trước thắc mắc của phóng viên về việc, thí sinh được điều chỉnh NV tới 3 lần có làm ảnh hưởng tới thời gian tuyển sinh của các trường ĐH và CĐ Sư phạm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phản hồi: Thời gian điều chỉnh có thể trong khoảng 5 ngày hoặc một tuần. Trong khoảng thời gian này, thí sinh có thể điều chỉnh 1 hoặc 3 lần, không ảnh hưởng đến tiến độ tuyển sinh của các trường.

Công khai đề án tuyển sinh

Trong bối cảnh các trường ĐH có quyền chủ động cao trong công tác tuyển sinh, kèm theo đó là trách nhiệm giải trình với xã hội về tính công bằng, khách quan, minh bạch trong công tác tuyển sinh, Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai Đề án trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu Phụ lục và các quy định tại Quy chế tuyển sinh. Đề án tuyển sinh hoặc đường link đến Đề án phải được công khai tại trang chủ trên trang thông tin điện tử của trường, bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh tìm hiểu.

Thời gian công bố công khai Đề án trên trang thông tin điện tử của trường: Đối với hình thức đào tạo chính quy, trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác, trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.

Để phục vụ công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2021, các trường phải khai báo dữ liệu Đề án vào Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT (theo tài liệu hướng dẫn tại địa chỉ http://thituyensinh.vn) trước ngày 31/3.

Đối với các trường có yêu cầu tiêu chí phụ, sơ tuyển trong tuyển sinh như đưa ra mức điểm quá trình học tập bậc THPT, học lực, hạnh kiểm…, phải có giải pháp để kiểm soát được các thông tin này trước khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo, tuyệt đối tránh tình trạng do các quy định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi tổ chức xét tuyển.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, Bộ GDĐT khuyến khích các trung tâm khảo thí độc lập hợp tác với nhau để tự xây dựng ngân hàng đề thi. Cũng như, thống nhất phương thức chuẩn mực trong ngân hàng đề thi, thậm chí các có thể hợp tác với nhau trong việc chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển.

Qua đó vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ sư phạm nhưng vẫn mang lại hiệu quả cho các trường và không lãng phí nguồn lực để tạo thuận lợi cho thí sinh. Như thế, thí sinh chỉ cần thi tại một nơi nhưng có thể sử dụng kết quả đó để đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau.

Thí sinh dự thi đủ 4 bài mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT

Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Theo Thông tư sửa đổi quy định, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/7. Thời gian đăng ký dự thi dự kiến từ ngày 26/4 đến hết ngày 10/5.

M.Q

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh ĐH 2021: Tạo thuận lợi hơn cho thí sinh