Bên cạnh kỳ thi THPT dành cho tất cả các thí sinh, những ngày này nhiều học sinh theo học lớp 12 đang quan tâm đến các phương án xét tuyển của các trường ĐH, CĐ mà mình ưa thích. Cũng như những năm trước, nhiều trường ĐH tiếp tục tổ chức một kỳ thi riêng để chọn lọc những thí sinh đạt yêu cầu.
Hàng chục ngàn thí sinh phải thi riêng bên cạnh hồ sơ xét tuyển.
Điều đáng nói, kỳ thi riêng này đang ngày một quan trọng, có yếu tố quyết định đến cánh cửa vào ĐH của các thí sinh, chứ không phải là kỳ thi THPT Quốc gia chung như mọi năm trước nữa.
Cụ thể, theo thông tin từ Trường ĐH Luật TP HCM, năm nay trường tiếp tục tổ chức một kỳ thi riêng để chọn lọc các thí sinh đầu vào.
Thậm chí, tỉ trọng của điểm số ở kỳ thi riêng này còn mang tính quyết định, khi chiếm tới 40% điểm số xét tuyển, thay vì chỉ có 20% như những năm trước.
Nghĩa là, một thí sinh muốn xét tuyển vào trường này phải trải qua một kỳ thi riêng do trường tổ chức. Điểm số kỳ thi này sẽ chiếm 40%, bên cạnh 10% là điểm trung bình học bạ 3 năm THPT và chỉ có 50% là điểm trung bình tổ hợp 3 môn của kỳ thi THPT Quốc gia.
Nghĩa là, điểm của kỳ thi THPT Quốc gia chỉ chiếm một nửa cơ hội để xét tuyển vào trường ĐH Luật TP HCM. Giải thích về điều này, ông Lê Văn Hiển - Phó Phòng đào tạo cho biết, do kinh nghiệm tổ chức kỳ thi riêng những năm trước thì những thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực cao thường có thành tích học tập tốt, đáp ứng đúng yêu cầu mà các ngành luật đặc trưng của nhà trường đặt ra.
Do trường Luật có nhiều đặc trưng, nhất là những ngành luật kinh tế, quốc tế nên kỳ thi riêng có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính chọn lọc tốt hơn so với kỳ thi THPT. Vì thế, trường quyết định nâng tỷ lệ điểm của kỳ thi riêng xấp xỉ với kỳ thi chung để khuyến khích các thí sinh có đam mê, phù hợp với các ngành luật.
Tương tự, Trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐHQG TP HCM) cũng cho biết, năm nay nhà trường tiếp tục tổ chức kỳ thi riêng theo dạng kiểm tra năng lực. Đây cũng là đơn vị duy nhất của ĐHQG TP HCM tổ chức thi năng lực riêng.
Cụ thể, trường sẽ xét theo điểm thi THPT Quốc gia 50% số chỉ tiêu, xét theo bài thi năng lực 35% số chỉ tiêu và 10% số chỉ tiêu dành cho các thí sinh thuộc khối trường chuyên, năng khiếu. Số còn lại là dành cho các thí sinh được ưu tiên xét thẳng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT.
Có thể thấy, dù khác phương thức xét tuyển nhưng cả 2 trường ĐH trên đều dành tỷ lệ rất lớn cho các thí sinh ở kỳ thi năng lực riêng do trường tự tổ chức.
Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có phương án tổ chức một kỳ thi năng lực riêng và đang trình lên Bộ chủ quản xem xét. Phương án chính thức sẽ được công bố trong ít ngày tới.
Các trường này, bên cạnh các trường thuộc khối âm nhạc, nghệ thuật, hội họa, báo chí… bắt buộc phải tổ chức kỳ thi riêng đã nâng tổng số các trường này lên.
Trong khi đó, nhiều trường khác dù không tổ chức kỳ thi riêng nhưng cũng không lựa chọn điểm thi THPT làm kết quả duy nhất mà dựa thêm vào điểm học lực của 3 năm THPT ở tổ hợp các môn mà thí sinh chọn lựa xét tuyển. Đây là phương án tuyển sinh khá phổ biến trong đợt tuyển sinh 2017 này.
Theo một chuyên gia giáo dục, kỳ thi năng lực mà các trường tổ chức tuy có ưu điểm là dễ dàng chọn lọc các thí sinh phù hợp với các chuyên ngành, các trường đặc thù nhưng cũng tồn tại nhiều nhược điểm.
Cụ thể, việc kiểm tra năng lực này tuy là một kỳ thi chính thức nhưng lại không có chuẩn đề thi, không có các mẫu đánh giá cũng như quy định chung của Bộ chủ quản. Vì thế, nó ít nhiều mang tính tự phát và dễ phát sinh tiêu cực nếu năng lực tổ chức của trường không tốt.