Điểm sàn khối ngành sức khỏe được Bộ GDĐT giữ ổn định như năm 2020, từ 19 đến 22 điểm, trong khi điểm sàn khối ngành sư phạm tăng 0,5 điểm so với năm ngoái, từ 17 đến 19 điểm. Nhiều trường đại học (ĐH) cũng đã lần lượt công bố điểm sàn ở mức tương tự năm ngoái.
Ổn định điểm sàn
Sau khi Bộ GDĐT thông báo ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào cho nhóm ngành sức khỏe, ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng công bố điểm sàn xét tuyển 6 ngành đào tạo của mình.
Theo đó, ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt lấy điểm sàn 22, Dược học 21, các ngành còn lại 19, đều bằng ngưỡng của Bộ đưa ra và điểm sàn năm ngoái của trường.
ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, tuyển 500 chỉ tiêu, trong đó Y khoa và Dược học tuyển nhiều nhất, mỗi ngành 150 em. Trường không xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức mà dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển thí sinh dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Ngoài ra, trường còn xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội; và xét thí sinh có IELTS từ 5.5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương.
Năm ngoái, ngành Y khoa của trường có điểm chuẩn cao nhất 28,35, Điều dưỡng thấp nhất 24,9 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) cũng lấy ngưỡng đảm bảo xét tuyển đầu vào bằng với mức Bộ GDĐT đưa ra. Điểm sàn năm nay của trường không có sự thay đổi so với năm 2020. Về điểm chuẩn năm 2020, ngành Y khoa lấy 26,4 điểm, kế đó là Răng Hàm Mặt 26,25 điểm. Y học Dự phòng có điểm chuẩn 20,9 điểm, thấp nhất trong 6 ngành.
ĐH Dược Hà Nội thông báo lấy điểm sàn 21 điểm cho hai ngành Hóa dược và Dược học, bằng với năm ngoái.
Năm ngoái, ngành Dược học có điểm trúng tuyển 26,9 điểm, tiêu chí phụ Hóa 9,25 điểm, Toán 9,4 điểm và nguyện vọng 3. Điểm chuẩn Hóa dược 26,6 điểm, tiêu chí phụ Hóa 9,25 điểm, Toán 8,6 điểm và nguyện vọng 2.
Trên thực tế, với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe hàng đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM và một số trường công lập khác, ngưỡng sàn này không có quá nhiều ý nghĩa bởi điểm trúng tuyển luôn cao hơn nhiều so với mức sàn. Chẳng hạn với ĐH Y Hà Nội năm ngoái lấy điểm chuẩn từ 22,4 đến 28,9. Mức điểm trúng tuyển thấp nhất cũng cao hơn mức sàn.
Tuy nhiên với nhiều trường khác, đặc biệt là các trường khối tư thục, ngưỡng đảm bảo chất lượng rất quan trọng, giúp thắt chặt công tác tuyển sinh và chất lượng sinh viên.
2021 là năm thứ ba Bộ GDĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Với quy định này, chất lượng đầu vào các trường có đào tạo Y Dược, đặc biệt là trường tư thục tăng lên đáng kể.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, dự đoán điểm chuẩn vào Trường ĐH Y Hà Nội có thể thấp hơn khoảng 0,5 điểm tuỳ từng ngành so với điểm chuẩn 2020.
Trước đó, tại hội nghị giáo dục ĐH 2021, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý đối với các trường ĐH Y Dược tích cực tham gia phòng, chống dịch nhưng cũng cần tính đến khi dịch đã tạm lắng xuống cần phải có chuyển đổi trong định hướng đào tạo, định hướng nghề nghiệp, cơ cấu ngành nghề của khối ngành sức khỏe. Bởi hiện nay khối ngành sức khỏe của toàn bộ thế giới đang có những điều chỉnh về số lượng, định hướng, nội dung…
Vừa qua, 15 cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe trực thuộc Bộ Y tế đã cử 9.365 cán bộ, giảng viên và sinh viên đã và đang tham gia công tác phòng, chống dịch (tại TP HCM: 5.272 người; các tỉnh Đông Nam Bộ: 1.717 người và các tỉnh Tây Nam Bộ: 1.934 người).
Mong ngành sư phạm hút người tài
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố điểm sàn xét tuyển các ngành đào tạo ĐH năm 2021 cao nhất là 21 điểm với các ngành Sư phạm ngữ văn, Sư phạm Toán học; Giáo dục tiểu học lấy điểm sàn 20...
Trường ĐH Sư phạm TP HCM công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH chính quy năm 2021 theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Trong đó, các ngành Sư phạm Hóa học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn quốc, Tâm lý học có mức điểm sàn cao nhất 23 điểm.
Đáng chú ý, từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu áp dụng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116. Cụ thể, chính sách hỗ trợ học phí lẫn sinh hoạt phí lên tới 36,3 triệu đồng/năm/sinh viên.
Các chuyên gia giáo dục dự đoán chính sách này sẽ góp phần thu hút sinh viên giỏi vào các ngành sư phạm, đặc biệt tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bởi với mức trên 3,6 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí này, sinh viên có thể đủ tiền trang trải cho việc học ĐH ngay cả ở thành phố lớn.
Vì vậy, điểm chuẩn có thể nhích nhẹ so với năm 2020 ở một số khoa, ngành “hot” là dự đoán của các trường. Thí sinh cần căn cứ vào mức điểm chuẩn năm trước của trường để đăng ký nguyện vọng xét tuyển thay vì chỉ nhìn vào mức điểm sàn vốn là ngưỡng đảm bảo chất lượng chung.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tuyển sinh của các trường khối sức khỏe được người dân đặc biệt quan tâm. Tăng quy mô đào tạo, tăng thời gian thực hành... là điều các trường cần tính đến, bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo chất lượng tuyển sinh, đào tạo và đầu ra để đáp ứng yêu cầu cuộc sống.