Tuyệt đối tôn trọng trẻ

Thu Trang 17/12/2015 13:10

Trong mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội để tác động đến việc hình thành nhân cách và tính sáng tạo của một đứa trẻ, gia đình vẫn giữ một vị trí quan trọng. Tuy nhiên, dạy trẻ thế nào trong đời sống hiện đại bận rộn và đầy cám dỗ hiện nay là một vấn đề không đơn giản. TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐHSP Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm.

Dạy trẻ em chủ động trong mọi tình huống.

Theo TS Vũ Thu Hương bà luôn được các phụ huynh hỏi làm thế nào để cho con tự giác học. Và câu trả lời rất đơn giản là quý vị đừng bó buộc, áp đặt con thì con sẽ tự giác. Mặc dù nhiều người nói chúng ta phải rất quan tâm tới việc học của con, nhưng chúng ta cũng nên quan tâm rất tế nhị.

Không nên quan tâm một cách quá thô bạo, ví dụ muốn biết con mình học thế nào thì hãy kiểm tra khi con đã ngủ, chứ tuyệt đối không nên ngay trước mặt con tỏ thái độ áp đặt, ví dụ “cô giảng thế này là sai rồi, làm như mẹ mới đúng”. Thế là các phụ huynh đã sai. Việc chúng ta nói như thế sẽ không bao giờ khiến trẻ tự giác, mà rất ỷ lại.

“Cách tôi dạy con, mặc dù tôi là giảng viên đào tạo giáo viên tiểu học nhưng tôi luôn nói là cô đúng, mẹ không biết gì. Và con tôi luôn luôn hiểu một thông điệp, hễ học, liên quan đến học thì con phải nghe cô. Đó là cách dễ nhất để cho con có thể định hướng việc học của mình. Có rất nhiều bài tập, đối với người lớn chúng ta sẽ giải một cách khác, học sinh tiểu học giải một cách khác, chính vì thế để giải cách đúng như học sinh tiểu học thì tốt nhất để cho cô dạy” - TS Vũ Thu Hương đưa ví dụ.

TS Vũ Thu Hương.

Tiếp tục chia sẻ, TS Vũ Thu Hương đưa ra phương pháp tự học ở nhà cùng con: “Tôi không can thiệp vào chuyện học của con một chút nào cả, thời gian con ngồi vào bàn học là hoàn toàn của con. Tôi chỉ giám sát việc học của con duy nhất ở lớp 6, bởi vì đó là năm chuyển cấp. Với giai đoạn này các con có cách học hoàn toàn khác nhau giữa tiểu học và THCS. Những bỡ ngỡ sẽ làm cho con rất nản. Chính vì thế tôi áp con thời gian biểu cụ thể, và giám sát việc ấy trong thời gian lớp 6, còn lại việc học vẫn phải là việc của con".

“Chúng ta đồng hành với con phải trên nguyên tắc tuyệt đối tôn trọng đứa trẻ. Những gì thuộc về học hành của trẻ ta phải tôn trọng. Thậm chí khi con hỏi tôi về kiến thức tôi cũng nói tôi không biết, và hướng con nếu không hỏi được cô thì con có thể xem các sách tham khảo. Tôi mua các sách tham khảo về cho con để cho con tìm hiểu, chứ tuyệt đối không giảng gì cho con cả. Và một điều nữa, khi mà con có ý kiến riêng hoàn toàn trái ngược cô giáo, con về con có bảo cô mắng con vì ý kiến riêng thì tôi nói thế này: “Con ghi tất cả ý kiến lại. Bởi vì đối với mẹ đây là những sản phẩm tốt nhất, có giá trị nhất”.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các phụ huynh hoàn toàn có thể dạy con sáng tạo. Điều đầu tiên, phụ huynh đừng mắng khi thấy các con nghịch. Chúng ta phải phân biệt được đâu là nghịch để khám phá và đâu là nghịch phá (làm hỏng). Nhưng dù nghịch khám phá hay nghịch phá thì đều rất có ích với con.

Một đứa trẻ dám mở tung cái quạt ra để kiểm tra trong đó có cái gì, dù nghịch phá nhưng rất có thể sẽ trở thành những người thợ lành nghề trong tương lai. Đứa trẻ nào cũng rất cần sự khám phá như vậy. Bất kể sự khám phá nào bố mẹ cũng quát mắng thì đứa trẻ sẽ không còn sự sáng tạo. Bởi vậy chúng ta phải rất kiên nhẫn với những trò nghịch phá của trẻ.

Qua tất cả các cách học cùng con, TS Vũ Thu Hương cũng khuyến khích các phụ huynh cho con tham gia những trò chơi thể thao, hoạt động nghệ thuật để giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng… Có như vậy thì con trẻ sẽ phát huy được hết khả năng cũng như tính sáng tạo của bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyệt đối tôn trọng trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO