Tuyết rơi trên sa mạc Sahara nghe có vẻ rất vô lý, nhưng đó lại là sự thật! Sự kiện thời tiết đặc biệt hiếm gặp diễn ra hồi đầu tháng 1 gần thị trấn Ain Sefra ở Algeria chỉ xảy ra ở sa mạc Bắc Phi vài lần trong vòng 40 năm qua.
Tất cả chúng ta đều biết Sahara là sa mạc khô hạn nhất thế giới, với nhiệt độ lên tới 50 độ C. Cùng với Thung lũng Chết ở California và một số thành phố gần đường xích đạo như Dallol ở Ethiopia và Wadi Halfa ở Sudan, nơi đây được coi là một trong những khu vực nóng nhất trên trái đất.
Sa mạc Sahara khổng lồ trải dài qua 11 quốc gia, bao gồm: Algeria, Chad, Ai Cập, Libya, Mali, Mauritania, Morocco, Niger, Tây Sahara, Sudan và Tunisia. Các cồn cát tại đây có thể cao tới 180 mét và nước luôn là thứ rất khan hiếm.
Vì vậy, khi những bức ảnh gần đây cho thấy các đụn cát được bao phủ bởi các đám tuyết trắng tại thị trấn Ain Sefra ở Algeria, chúng có thể sẽ khiến bạn tự hỏi: Làm thế nào điều này lại có thể xảy ra?
Điều gì đã xảy ra với ‘cửa ngõ sa mạc’?
Những hình ảnh được nhiếp ảnh gia Karim Bouchetata chụp hồi đầu tháng 1 cho thấy một lượng lớn băng tuyết đã bao phủ khu vực sa mạc gần thị trấn Ain Sefra phía tây bắc Algeria.
Ain Sefra nằm trong dãy núi Atlas, cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển và được coi là “cửa ngõ vào sa mạc”. Thị trấn này thuộc tỉnh Naama của Algeria, gần với biên giới Morocco. Trong khi đó, sa mạc Sahara được biết đến là nơi có mức nhiệt độ cao quanh năm, băng tuyết không phải là một điều thường thấy.
Khu vực này thường ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất là 37 độ C vào mùa hè và 10 độ C vào mùa đông. Và đương nhiên, sa mạc lớn nhất thế giới chỉ từng gặp tuyết rơi như vậy tại 4 thời điểm trước đó vào các năm 1979, 2017, 2018 và 2021 tại thị trấn Ain Sefra. Khi những bức ảnh tuyết trắng được chụp, nhiệt độ tại thị trấn đã giảm xuống -2 độ C.
Biến đổi khí hậu phải là nguyên nhân?
Trên sa mạc rất hiếm khi có tuyết vì thường không có đủ nước trong không khí, mặc dù thời tiết có thể rất lạnh vào ban đêm. Cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là sau khi nó đã tàn phá nhiều quốc gia châu Phi với mức nhiệt độ cao kỷ lục, sẽ không có gì lạ khi nó cũng có thể mang đến những cảnh tượng lạnh giá hiếm gặp như thế này.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực lạnh có thể là do sự nóng lên của Bắc Cực. Mặc dù chủ yếu xảy ra ở Mỹ, nhưng nghiên cứu cũng dự đoán rằng các đợt lạnh có thể xảy ra nhiều hơn trên khắp thế giới do hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới , kết quả của nghiên cứu đã “nêu bật một lý do khác để giảm nhanh lượng khí thải nhà kính đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời cần phát triển các chiến lược tốt hơn để kiểm soát các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, kể cả nóng hay lạnh”.
Một điều quan trọng hơn chính là biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến sa mạc Sahara phát triển. Sahara hiện đang lớn hơn khoảng 10% so với gần một thế kỷ trước.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), sa mạc là khu vực được định nghĩa là những nơi trên Trái đất nhận được lượng mưa ít hơn 25 cm mỗi năm. Vì vậy, nếu sa mạc Sahara tiếp tục tăng về diện tích, nó sẽ khiến tình trạng hạn hán ở các nước xung quanh dễ xảy ra hơn.
Các nhà khoa học đã gặp khó khăn trong việc liên kết sự kiện tuyết rơi ở sa mạc Sahara với cuộc khủng hoảng khí hậu. Roman Vilfan, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Môi trường và Khí tượng Thủy văn Liên bang của Nga, cho rằng: “Những tình huống như vậy, bao gồm tuyết rơi ở Sahara, đợt lạnh kéo dài ở Bắc Mỹ, thời tiết ấm áp bất thường ở khu vực châu Âu của Nga và những trận mưa kéo dài gây lũ lụt ở các nước Tây Âu đã xảy ra thường xuyên hơn”.
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu phát triển, các hiện tượng và mô hình thời tiết bất thường ngày càng trở nên bình thường trên các khu vực khác nhau vốn được biết đến với các điều kiện khí hậu đồng nhất hoặc ổn định. Lượng mưa lớn ngày càng trở nên bình thường ở Bắc Cực, một khu vực trước đây hầu như không bao giờ có mưa.
Sự thay đổi này cũng sẽ dẫn đến một lượng lớn băng biển tan chảy. Lượng băng mất đi này, kết hợp với không khí ấm hơn sẽ tạo ra tốc độ bốc hơi nhanh, làm thay đổi đáng kể bầu khí quyển của Bắc Cực. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phần còn lại của hành tinh: đảo lộn sự cân bằng khối lượng băng ở Greenland, làm tăng đáng kể mực nước biển toàn cầu.