'Tuýt còi' trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Thu Hương 14/01/2023 07:05

Năm 2022, 78 trường đại học (ĐH) tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Với mức phạt vi phạm hành chính cao nhất là 150 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng tính răn đe còn thấp, các trường chấp nhận chịu phạt vì số thu về cao gấp nhiều lần tiền phạt.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều trường vi phạm tuyển sinh

Ông Nguyễn Đức Cường - chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết năm 2022, 78 cơ sở giáo dục ĐH có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh đã bị xử phạt. Đơn cử Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ ĐH cả trình độ thạc sĩ. Trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi… đều tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh và đã bị xử phạt.

Đây không phải năm đầu tiên các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu và bị xử phạt. Năm 2021, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ngành Quản trị kinh doanh có số lượng thí sinh trúng tuyển là 943 em, trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là 60. Như vậy, số thí sinh trúng tuyển đã cao gấp khoảng 16 lần chỉ tiêu.

Tuy nhiên, năm nay kỷ lục có ngành của một trường ĐH đã tuyển vượt chỉ tiêu gần 1.400%. Những vi phạm này sẽ gây khó khăn cho hệ thống lọc "ảo", làm nhiễu hệ thống tuyển sinh, ảnh hưởng tới quyền lợi người học.

Cụ thể, khi vượt quá nhiều, câu hỏi đặt ra là cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… của nhà trường để đáp ứng việc giảng dạy này sẽ ra sao? Bởi khi xác định đề án tuyển sinh, chỉ tiêu của từng ngành được xây dựng trên cơ sở điều kiện sẵn có của nhà trường, nay thay đổi đột ngột liệu nhà trường có kịp bổ sung nhân lực và các điều kiện khác?

Cần mạnh tay xử lý

Trong xu thế tự chủ ĐH, nhiều trường đã thực hiện tự chủ tuyển sinh theo định hướng chất lượng, trường quy định “sàn chất lượng” cho trường độc lập với chỉ tiêu, chấp nhận ngay cả khi tuyển không đủ chỉ tiêu hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch và sẽ bị phạt vào năm sau.

Dẫu vậy, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, việc đặt điểm chuẩn thấp, tuyển vượt chỉ tiêu nhiều sẽ gây ra những khó khăn cho hệ thống đào tạo. Cụ thể, nếu chỉ có chừng đó giảng viên nhưng số lượng tuyển sinh vượt quá quy định thì sĩ số lớp học phải tăng lên, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiện nay có tình trạng ngay trong một trường ĐH, có ngành tuyển sinh rất tốt, vượt chỉ tiêu gấp nhiều lần song cũng có ngành tuyển không đủ sinh viên, thậm chí là phải đóng cửa ngành học đó vì chỉ một vài sinh viên trúng tuyển. Điều đáng nói, những ngành tuyển vượt chỉ tiêu chưa chắc đã là thế mạnh của trường đó, thậm chí là những ngành mới mở thì chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên liệu có đáp ứng được?

Xa hơn là bài toán việc làm sau khi ra trường. Khi thí sinh tập trung vào một số ngành “hot”, trường tuyển dư dả đến khi ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành, trái nghề vì thị trường bão hòa nhân lực ngành đó thì hậu quả người học sẽ gánh. Vì vậy, cần có chế tài xử lý để ngăn chặn việc tuyển sinh gấp nhiều lần chỉ tiêu đặt ra, đảm bảo cân đối nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Hiện nay, vấn đề tuyển sinh là câu chuyện đau đầu với các trường trong mỗi mùa tuyển sinh. Nhất là trong xu thế tự chủ ĐH, tuyển thiếu thì nhà trường khó duy trì hoạt động, đừng nói đến việc nâng cao chất lượng. Nên trường chấp nhận tuyển ồ ạt rồi bị phạt dù có thể ảnh hưởng đến việc tự xác định chỉ tiêu của năm sau.

Trước đó, qua thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện có trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Nếu tuyển sinh tiếp tục vượt chỉ tiêu đăng ký thì rất đáng lo ngại. Bởi sau tuyển sinh, đào tạo, trường ĐH còn phải chịu trách nhiệm với người học, cam kết với họ để khi ra trường có kết quả tốt không chỉ về mặt chuyên môn mà còn là kỹ năng, thái độ.

GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Cần xem xét lại cách thức xử phạt đối với những cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tuyển sinh không đúng đề án đã công khai. Nếu vẫn chỉ xử phạt bằng tiền thì khó giải quyết được vấn đề, vì mức tiền nộp phạt là không đáng kể so với nguồn tiền thu về nếu vi phạm.

“Cần phải có hình thức xử phạt mạnh tay, hiệu quả hơn. Ngoài việc trừ chỉ tiêu vào năm học sau nếu năm học này tuyển sinh quá chỉ tiêu, với trường hợp đơn vị nào vi phạm nhiều lần, vượt chỉ tiêu quá cao thì có thể áp dụng hình thức đình chỉ tuyển sinh” - GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Tuýt còi' trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO