Giáo dục

“Tuýt còi” tuyển sinh, vì sao?

Thu Hương 10/04/2024 07:37

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu ngừng tuyển sinh hàng loạt ngành ở một số trường đại học. Ngoài lý do không đảm bảo điều kiện mở ngành, một số trường khi thực hiện mở ngành đã không khảo sát nhu cầu xã hội đầy đủ dẫn đến khó tuyển sinh, số lượng nhập học rất thấp.

anh-cv.jpg
Nhiều ngành học ngừng tuyển sinh do không đảm bảo điều kiện hoặc sai phạm. Ảnh: Quang Vinh.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố kết luận thanh tra 6 trường đại học (ĐH), đồng thời yêu cầu một số trường phải dừng tuyển sinh hàng loạt ngành.

Dừng tuyển sinh hàng loạt

Cụ thể, kết luận thanh tra về Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), có 7/16 ngành mở không đảm bảo điều kiện về giảng viên cơ hữu, chủ trì giảng dạy chương trình. Do đó năm 2022, Trường dừng tuyển sinh 11 ngành và tạm dừng tuyển sinh 2 ngành vào năm 2023. Nguyên nhân là do trường không khảo sát nhu cầu xã hội đầy đủ, dẫn đến khó tuyển sinh, tỷ lệ nhập học thấp kể từ khi mở ngành mới. Trong số 13 ngành dừng tuyển sinh kể trên có 4 ngành không còn sinh viên theo học.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kết luận thanh tra của Bộ GDĐT chỉ rõ sai phạm trong việc mở ngành Luật, chưa đảm bảo quy định tối thiểu 3 tiến sĩ liên quan đến ngành học này.

Năm 2022, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) mở nhiều ngành khi chưa đủ điều kiện tự chủ là chưa đúng quy định. Cụ thể, Hiệu trưởng trường này ký ban hành quyết định mở 3 ngành trình độ ĐH, 2 ngành trình độ thạc sĩ và 1 ngành trình độ tiến sĩ sử dụng dấu của trường là chưa đúng quy định. Thanh tra cũng phát hiện, thời điểm Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ban hành quyết định mở ngành Hàn Quốc học trình độ thạc sĩ và cử nhân ĐH khi chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định. ĐH Quốc gia TPHCM sai sót khi giao cho các trường thành viên ban hành quyết định mở ngành, bởi khi ấy các trường chưa đủ điều kiện tự chủ, vi phạm quy định Luật Giáo dục ĐH.

Kết luận đối với Trường ĐH Hoa Sen, Thanh tra Bộ GDĐT chỉ rõ, trong năm 2021 và 2022, nhà trường không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển được 6 ngành. Đến năm 2022 - 2023, nhà trường không tuyển sinh ngành Nhật Bản học, Luật quốc tế, Bất động sản và Hệ thống thông tin quản lý.

Đối với Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, phải ngừng tuyển 7 ngành từ năm học trước. Tại thời điểm mở ngành, 7/9 ngành có giảng viên chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không có ngành phù hợp với ngành dự kiến mở; trường tự xác định các giảng viên chủ trì ngành có đủ 5 năm giảng dạy ĐH và có công trình 11 nghiên cứu khoa học, bài báo về lĩnh vực ngành đăng ký đào tạo trong thời hạn 5 năm theo quy định.

Như vậy, theo kết luận thanh tra Bộ GDĐT, nhiều trường chưa đảm bảo điều kiện mở ngành vì liên quan đến giảng viên. Thanh tra Bộ GDĐT yêu cầu các trường phải rà soát toàn bộ hệ thống văn bản nội bộ thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường và của trường theo quy định pháp luật; rà soát, báo cáo Vụ Giáo dục ĐH hướng xử lý đối với các ngành không tổ chức tuyển sinh, không tuyển được, hoặc đã tạm dừng tuyển sinh...

Trước đó, thống kê trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, 95 lượt cơ sở giáo dục ĐH đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng do vi phạm tuyển sinh và mở ngành đào tạo. Tháng 6/2023, Bộ GDĐT đã thông báo tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với một số trường ĐH do vi phạm về tuyển sinh, cụ thể là tuyển vượt chỉ tiêu so với quy định. Nội dung xử phạt và cách khắc phục đã được kết luận thanh tra chỉ ra song nỗi băn khoăn của người học và xã hội khi đăng ký tuyển sinh những ngành học mới mở vẫn còn đó mỗi mùa tuyển sinh về.

anhbaitren.jpg
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: HNUE.

Chế tài đã đủ mạnh?

Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 01/2024 ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, quy định 70% giảng viên phải trong độ tuổi lao động nhưng quy định mở ngành, duy trì ngành và xác định chỉ tiêu yêu cầu phải có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Không có đội ngũ này, ngành học có khả năng bị đóng.

Thực tế ghi nhận, tại Việt Nam theo tiêu chuẩn mà Thông tư 01 của Bộ GDĐT đưa ra cho các trường ĐH Việt Nam quy định không quá 40 người học/giảng viên. Trong khi đó, tỷ lệ người học trên giảng viên ở các nước châu Âu là khoảng 15 - 16 người học/giảng viên, các ĐH nghiên cứu ở Mỹ là 11 - 12 người học/giảng viên. Như vậy, tỷ lệ của Việt Nam là không cao nhưng căn cứ như kết luận thanh tra của Bộ GDĐT cho thấy không phải trường nào khi mở ngành đào tạo cũng đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Việc đóng cửa hàng loạt các ngành học của 6 trường ĐH vừa được kết luận bởi Thanh tra Bộ GDĐT cho thấy sự quyết liệt của Bộ đối với việc các trường không đạt chuẩn theo Thông tư 01 sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Trước đó, đại diện một số trường ĐH lo nếu không có chế tài nào cho Thông tư 01, các trường sẽ ưu tiên đảm bảo điều kiện mở ngành, tuyển sinh hơn thì nay đã được giải đáp.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, tiêu chuẩn đưa ra để các trường thực hiện, tự so sánh với nhau và công khai để người học, xã hội đánh giá và sẽ có chế tài với những trường không đạt tiêu chuẩn quy định. Theo đó, Bộ GDĐT yêu cầu cuối năm 2025, các trường phải đạt được tất cả chỉ số, tiêu chí. Riêng tiêu chí về diện tích đất đến 2030 mới áp dụng. Đến năm 2025, nhiều khả năng Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung xong Nghị định 04 xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và có thể áp dụng nghị định này để đưa ra các chế tài cho những trường không đạt tiêu chuẩn.

Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh, vấn đề chuẩn cơ sở giáo dục đào tạo không chỉ liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành mà rộng hơn là vấn đề sắp xếp, quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH. Nếu không đạt các chỉ số, các trường có 3 năm để củng cố, cải tiến bộ máy. Đến năm 2028, nếu vẫn không đạt, các trường có thể bị dừng tuyển sinh, đình chỉ hoạt động đào tạo đến khi toàn bộ sinh viên đã ra trường thì giải thể trường. Đó là chế tài mạnh nhất" - ông Sơn nói.

Ủng hộ Bộ GDĐT mạnh tay trong việc xử lý những trường học vi phạm, GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, lâu nay, cứ đến mùa tuyển sinh ĐH, cao đẳng là ồ ạt ngành học mới ra đời. Trong đó, nhiều trường tuyển sinh những ngành “mới toe” vốn không có thế mạnh đào tạo trước đó khiến dư luận băn khoăn, người học lo ngại.

“Điều kiện mở ngành cứng về tỷ lệ giảng viên, cơ sở vật chất, chuẩn giáo trình… đều đã được quy định rõ. Đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện thanh kiểm tra thường xuyên, liên tục để đảm bảo khi trường thông báo tuyển sinh với xã hội là đã phải được kiểm duyệt, tránh tình trạng trường cứ tuyển sinh, dạy học nhưng chương trình chưa được kiểm định. Khi đó, thiệt thòi cho người học ai sẽ chịu trách nhiệm?” - ông Bành nêu quan điểm.

Xử phạt hành chính bằng tiền, tính răn đe thấp

box1.jpg

Theo TS Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, việc xử lý đối với các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc làm thường niên hàng năm của Bộ. Trong đó, việc xử phạt chính bằng tiền đối với lĩnh vực giáo dục có thể tính răn đe còn thấp. Nhưng đối với cơ sở giáo dục khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sẽ có tính răn đe cao và mạnh.

Mở ngành ồ ạt, lo việc làm sau khi ra trường

box2.jpg

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho biết, nhiều trường liên tục mở thêm mã ngành mới để thu hút các thí sinh. Đây là xu hướng tất yếu khi các trường được tự chủ. Tuy nhiên, thí sinh cần tỉnh táo cũng như nhận định đúng, lựa chọn đúng khoa, đúng trường để đăng ký, tránh những hệ lụy đáng tiếc... Về phía cơ quan quản lý, cần thanh kiểm tra kỹ lưỡng không chỉ về điều kiện mở ngành như chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên… mà còn là việc bảo đảm được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Tuýt còi” tuyển sinh, vì sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO