Tại Hội thảo “Những tiến bộ trong phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy” vừa được tổ chức tại TPHCM, số liệu đưa ra khiến nhiều người giật mình: Tỷ lệ tử vong do ung thư gan ở Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới.
Nguyên nhân phần lớn từ rượu, bia
Trong những năm vừa qua, với trên 25.000 trường hợp mắc mới và tử vong do ung thư gan gây ra đã khiến loại ung thư này trở thành một trong những loại ung thư hàng đầu tại Việt Nam. Nguyên nhân chính được các chuyên gia y tế đánh giá là do viêm gan virus và tình trạng sử dụng quá nhiều rượu bia.
Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết, việc số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến gan mật tuỵ ngày càng gia tăng đã và đang trở thành một vấn đề lớn trong công tác điều trị cũng như dự phòng tại các cơ sở y tế tại Việt Nam.
Cụ thể hơn, theo Globocan 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư gan là 26.418 ca mỗi năm (chiếm 14,5% tổng số ung thư) và 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 (6.700 ca). Còn World Life Expectancy xếp hạng Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ tử vong do ung thư gan và đứng thứ 9 về tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày.
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về bệnh nhân L.T.U (nam, sinh năm 1960, tại Đắk Lắk) nhập viện vì vàng da. Khai thác tiền sử cho thấy, 1 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện vàng da, vàng mắt tăng dần, vàng sậm toàn thân, nước tiểu vàng đậm, phân nhạt màu, kèm ngứa nhiều toàn thân. Các bác sĩ chẩn đoán xác định, bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan. Được biết, bệnh nhân không uống rượu, không hút thuốc lá nhưng mắc viêm gan B từ hơn 10 năm trước, không điều trị thường xuyên.
Tương tự, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng thông tin về trường hợp bệnh nhân mắc ung thư gan khi mới 20 tuổi, bệnh nhân có tiền sử viêm gan virus B chưa điều trị, biểu hiện đau tức hạ sườn phải 1 tháng, đi siêu âm phát hiện khối u kích thước rất lớn với đường kính trên 15cm, các chỉ số ung thư như AFP và PIVKA II đều tăng rất cao. Bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi cắt gan, sau mổ sức khỏe hồi phục tốt.
TS. BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị yêu cầu, Bệnh viện K cho biết, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan, như giới tính (thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, béo phì. Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống lạm dụng rượu bia, thuốc lá…
Theo các chuyên gia y tế, uống rượu bia thường xuyên, nồng độ cao làm tổn thương các tế bào gan dẫn đến viêm gan, xơ gan và tăng khả năng bị ung thư gan. Theo thống kê, có khoảng 90-100% người nghiện rượu nặng phát triển gan nhiễm mỡ, trong số đó 10-35% sẽ phát triển viêm gan do rượu. Khoảng 20-40% người viêm gan do rượu tiến triển xơ gan. Trên 20% gan nhiễm mỡ do rượu tiến triển trực tiếp sang xơ gan. Người bị xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan...
Thuốc lá góp phần gây bệnh
Mặt khác, thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư gan, những hóa chất tạo ra khi hút thuốc lá gây ra có tính ô xy hóa mạnh dẫn tới hiện tượng peroxy hóa lipid. Theo đó, các tế bào hình sao tại gan được kích hoạt, gây xơ hóa gan phát triển. Hút thuốc lá còn tăng sản xuất các cytokine tiền viêm gây tổn thương tế bào gan, khiến xơ gan tiến triển mạnh hơn. Ngoài gây độc, hút thuốc lá còn giảm sức đề kháng, giảm đáp ứng miễn dịch, khiến cho gan càng dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây bệnh. Bên cạnh đó, các hoạt chất trong khói thuốc như hydrocacbon, nitrosamine, hắc ín và vinyl clorua… đều là những chất có khả năng gây ung thư, đặc biệt là ung thư gan.
PGS. TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện người bệnh ung thư gan ở nước ta hầu hết đến khám ở giai đoạn trung gian và muộn, tỷ lệ đến khám ở giai đoạn sớm còn rất ít, chỉ khoảng 10-20% người bệnh tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Đáng nói, với bệnh nhân ung thư gan nếu được chẩn đoán sớm, phương pháp điều trị tại chỗ là phẫu thuật, đốt sóng cao tần, điều trị được khỏi và kéo dài thời gian sống. Còn ở giai đoạn muộn hơn người bệnh được áp dụng phương pháp nút mạch hóa chất, xạ trị trong chọn lọc. Nếu ở giai đoạn rất muộn thì chỉ áp dụng phương pháp toàn thân, chi phí điều trị lớn mà hiệu quả không cao.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C. Ngoài ra tiêm đầy đủ vaccine phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.