Sau hàng chục năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố gần như xóa sổ, dịch bạch hầu trở lại và lây lan nhanh ở các tỉnh phía Bắc khiến nhiều ca bệnh diễn biến nặng và tử vong.
Bệnh bạch hầu trở lại
Theo Bộ Y tế, bệnh bạch hầu đã giảm rõ rệt kể từ khi có vaccine nhưng mới đây, theo ghi nhận từ tháng 5 đến tháng 9, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc tại 3 xã thuộc huyện Điện Biên Đông và Mường Chà, trong đó 1 trường hợp tử vong; 2 trường hợp đã khỏi bệnh; 3 trường hợp đang được điều trị. Cũng mới đây tỉnh Hà Giang ghi nhận hơn 30 ca nghi mắc bệnh bạch hầu. Đáng chú ý, các ca bệnh đều từ 4 tuổi trở lên, ca tử vong (15 tuổi) có yếu tố dịch tễ không rõ ràng khi không đi ra khỏi địa phương và không tiếp xúc với người mắc bệnh, trong gia đình không ai mắc bệnh tương tự. Đến nay, hai tỉnh đã ghi nhận 3 ca tử vong vì bệnh bạch hầu. Trong đó, Hà Giang lần đầu ghi nhận bạch hầu quay trở lại sau 20 năm. Tại Thái Nguyên, Tuyên Quang và một số tỉnh phía Bắc cũng đã ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua kiểm tra thực tế, cụm dân cư nơi phát hiện ổ dịch đều ở các địa phương thuộc vùng sâu vùng xa, giao thông khó khăn, đời sống kinh tế người dân còn nghèo, nhận thức tiêm chủng phòng bệnh còn hạn chế khiến tỷ lệ tiêm vaccine thấp dẫn đến ca bệnh tăng. Đặc biệt, miễn dịch có được từ khi tiêm vaccine bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian, trong khi đó mũi nhắc lại cho trẻ em và người lớn lại chưa được thực hiện tốt khiến nhiều trường hợp có thể mắc bệnh mặc dù trẻ đã thực hiện tiêm đủ 3 mũi trước 1 tuổi và khả năng bảo vệ của vaccine trong cộng đồng người lớn sẽ thấp. Đó cũng là nguyên nhân xuất hiện các ca bệnh ở các tỉnh phía Bắc thời gian qua.
Bộ Y tế cho biết, bạch hầu được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B trong thang đánh giá mức độ nguy hiểm của nhóm bệnh truyền nhiễm, tức là những bệnh nguy hiểm có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng.
Theo TS Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Thông thường trẻ em từ một đến 10 tuổi dễ mắc bệnh nhiều nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang. Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Trong nhiều trường hợp, vi khuẩn của người bệnh có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh từ vài ngày đến vài tuần... Bệnh dễ lây hơn trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Về sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Khi vi khuẩn C. diphtheriae xâm nhập vào hầu họng những người chưa có miễn dịch chống bệnh bạch hầu, chúng sẽ sinh sôi ở vùng hầu họng, tiết ra độc tố làm chết tổ chức, tạo thành các mảng màu trắng. Độc tố bạch hầu cũng có thể vào máu gây nhiễm độc toàn thân. Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi mắc bệnh, người bệnh bạch hầu ho, hắt hơi sẽ làm bắn ra những giọt nhỏ mang vi khuẩn. Nếu một người chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu hít phải những giọt này thì có thể lây bệnh. Một số rất hiếm các trường hợp có thể lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc. Thường một người bệnh nếu không được điều trị có thể gây phát tán vi khuẩn trong vòng 2 tuần, thậm chí có thể đến 4 tuần. Một số ít người mang vi khuẩn mạn tính có thể phát tán mầm bệnh đến tận 6 tháng.
Theo BS Nguyễn Văn Kính, triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm nhất là độc tố của vi khuẩn có thể theo máu tác động lên các cơ quan chính của cơ thể làm viêm tim, viêm thận. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Khẩn cấp dập dịch
Năm 2020, dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước... Mới đây, ngay sau khi ghi nhận 3 ca mắc bệnh bạch hầu tử vong, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, tình hình bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên. Để tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong, Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh, bao gồm cả cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.
Đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong; bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh. Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu, cần ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm.
Bên cạnh đó, triển khai hướng dẫn người tiếp xúc với người bệnh uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn; tăng cường truyền thông để người bệnh, người nhà người bệnh biết các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine cho trẻ 3 lần từ khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau một tháng. Sau một năm thì tiêm nhắc lại, sau 5 năm nhắc lại một lần nữa. Bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng trên nên đi khám sớm. Nếu thầy thuốc phát hiện có lớp màng giả màu trắng ở vòm họng nghi ngờ bị bệnh bạch hầu sẽ chỉ định tiêm ngừa kháng độc tố để ngăn ngừa biến chứng.