Tính đến chiều ngày 14/7, hơn 30 địa phương trên cả nước đã thông báo tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. Trong đó, tất cả đều ở mức trên 90%, nhiều địa phương chạm ngưỡng 100% như Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Nam Định, Phú Thọ…
Thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Tỷ lệ trên 90%: Vì đâu?
Thống kê cho thấy, những tỉnh đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 hiện đều đạt trên 90%. Trong đó, Cao Bằng đang là tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất là 91,39%. Tiếp sau đó là Gia Lai 92.84%, Quảng Nam 94,01%, Đà Nẵng 94,98%...
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của toàn thành phố đạt 98,49%, với 66.227 thí sinh đỗ tốt nghiệp. Trong đó, khối THPT tỷ lệ tốt nghiệp là 99,36% tương đương 60.559 em. Ở khối giáo dục thường xuyên, tỷ lệ này 96,24%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Phú Thọ năm 2017 là 99,1%. Trong đó hệ giáo dục THPT là khoảng 99,4%; hệ giáo dục thường xuyên là 95,3%... Hiện chưa có địa phương nào công bố đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100% mà mới chỉ trên 99% do kết quả thi của khối giáo dục thường xuyên thường thấp hơn khối THPT, nghĩa là “kéo tụt” thành tích tốt nghiệp của cả địa phương xuống.
Lý giải thành tích này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đó là chuyện đương nhiên. Bởi với cách tính điểm xét tốt nghiệp năm nay do Bộ GD&ĐT quy định bao gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Sau khi tính được điểm xét tốt nghiệp, điểm tốt nghiệp phải từ 5 điểm trở lên mới được công nhận đỗ tốt nghiệp. Trong trường hợp điểm xét tốt nghiệp dưới 5, học sinh phải đợi thi lại vào năm sau.
Như vậy, những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp phải đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 thì cơ hội đỗ tốt nghiệp rất rộng mở.
Băn khoăn thi hay không thi?
Nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao chót vót những năm gần đây, câu hỏi được nhiều người đặt ra là có nên tiếp tục tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia với mục đích bao gồm xét tốt nghiệp nữa không?
Theo GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc hàng năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông thường trên 90%, thậm chí có tỉnh đỗ gần 100%... thì rõ ràng việc gắn thi tốt nghiệp THPT với xét tuyển vào ĐH, CĐ cần phải xem lại. Đặc biệt, với tình trạng cơn mưa điểm 10 của kỳ thi năm nay, mặc dù đã được Bộ GD&ĐT giải thích là không có gì bất thường, phản ánh đúng thực tế dạy và học tập với nhiều chuyển biến tích cực từ các địa phương nhưng vẫn khiến dư luận ngạc nhiên.
Với mục tiêu xét tuyển ĐH, số bài thi đạt điểm 8, điểm 9 năm nay ở tất cả các môn thi cũng rất nhiều khiến các trường ĐH khá bối rối trong tuyển sinh. Dự đoán điểm chuẩn tăng ở hầu hết các ngành, các trường, đặc biệt là những ngành hot có thể tăng từ 2-4 điểm khiến nhiều người lo ngại tình trạng 27, 28 điểm vẫn trượt ĐH như vài năm trước đã từng xảy ra.
“Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, không thể có chuyện cải cách giáo dục mà từ năm trước sang năm sau, lượng điểm 10 tăng đột biến như vậy, trong khi Bộ GD&ĐT khẳng định đề thi đã được chuẩn hóa. Nếu nhìn theo chiều dài, chúng ta có thể thấy liên tiếp những năm qua, Bộ GD&ĐT không giải quyết được vấn đề chất lượng của kỳ thi nên tìm lối thoát là năm nào cũng đổi mới cách thi. Nếu năm ngoái tốt rồi, năm nay cần gì phải đổi mới? Năm nay cũng đánh giá tốt, liệu sang năm còn đổi mới gì?”- ông Dong đặt vấn đề.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho biết, nếu chỉ xét tốt nghiệp căn cứ vào điểm thi với mức điểm trung bình là 5 điểm thì theo phổ điểm đã công bố, tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước năm 2017 chưa tới 60%. Nhưng với cách tính điểm xét tốt nghiệp bao gồm cả điểm khuyến khích, điểm trung bình các môn học lớp 12 thì tỉ lệ tốt nghiệp đạt hơn 90% là điều “đã biết trước”. Còn nhớ, cách tính điểm xét tốt nghiệp dựa vào điểm học lớp 12 và điểm thi như hiện nay bắt đầu từ năm 2014 và hầu như năm nào, tỷ lệ tốt nghiệp của các địa phương cũng trên 90%.
Tuy nhiên, ông Tùng vẫn cho rằng, một kỳ thi tốt nghiệp chung là vẫn cần thiết vì nó sẽ là kỳ thi chuẩn quốc gia trên cùng một chương trình chung. Và một thực tế khác ở Việt Nam đó là, “nếu không thi, học sinh sẽ không chịu học”.
Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn bày tỏ: Không chỉ riêng mùa thi năm nay mà nhìn vào tất cả các kỳ thi, có thể thấy sự chênh lệch điểm tổng kết trên học bạ và điểm thi vô cùng rõ rệt. Chẳng hạn, với 6.200 bài thi bị điểm liệt của kỳ thi năm nay, nếu làm một cuộc khảo sát về điểm tổng kết các môn học này của thí sinh năm lớp 12, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ! Chắc chắn, không có nhiều điểm thấp đến thế ở các cuốn học bạ.
Cũng như trước kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ có kiểm tra những trường hợp điểm thi chênh lệch nhiều so với kết quả học tập ở phổ thông nhưng với hàng ngàn điểm 10 và điểm liệt, đến nay vẫn chưa có Sở GD&ĐT nào đưa ra trường hợp thí sinh nào có kết quả bất thường. Liệu đây có phải là một căn bệnh thành tích?
Theo chuyên gia này, thi hay không thi chỉ là hình thức. Quan trọng là ngay từ trong quá trình dạy và học, Bộ GD&ĐT, địa phương, nhà trường, phụ huynh và học sinh đừng chạy theo căn bệnh thành tích. Để mọi đánh giá cao hay thấp, điểm số dù là học bạ hay điểm thi đều phản ánh đúng năng lực thực sự trong suốt quá trình học tập của một học sinh chứ không phải thi xong rồi mới thấy vô lý như hiện nay.