Từ ngày 28/1 (mùng 7 Tết), tình trạng ùn tắc giao thông tiếp tục xảy ra ở nhiều trục đường dẫn về TP Hồ Chí Minh do lượng phương tiện tăng cao sau kỳ nghỉ dài ngày. Trong đó những điểm đen ùn tắc là quốc lộ 51, cao tốc TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hay quốc lộ 1A đoạn qua Long An, Tiền Giang...
Ghi nhận chiều ngày 29/1, dòng phương tiện ô tô di chuyển hướng từ tỉnh Đồng Nai về TPHCM tăng cao. Từ đoạn giao với quốc lộ 51 đã xảy ra tình trạng quá tải, dòng xe di chuyển chậm. Tuy nhiên, trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc này vẫn hoạt động bình thường. Nhu cầu du lịch tại các địa điểm như TP Vũng Tàu, TP Đà Lạt hay các khu vực ven biển miền Trung (Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hòa...) tăng cao đầu năm 2023 nên trong ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nguyên đán Quý Mão, dòng người, xe trở lại TPHCM tăng mạnh.
Ngoài trục cao tốc quan trọng này, ghi nhận trên tuyến quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai) cũng xảy ra ùn tắc ở một số địa điểm (như TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom) theo hướng đi về TPHCM. Tại trục giao thông này, ngoài phương tiện ô tô thì lượng lớn xe gắn máy của người dân cũng nối đuôi nhau di chuyển.
Ở phía Tây Nam của TPHCM, tình trạng ùn tắc còn nghiêm trọng hơn với nhiều điểm đen giao thông. Đặc biệt là khu vực cầu Rạch Miễu nối tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Mặc dù đã có thêm phà Rạch Miễu (di chuyển miễn phí) nhưng do cầu nhỏ hẹp (chỉ có 1 làn ô tô, 1 làn xe gắn máy) nên các phương tiện hướng từ Bến Tre sang Tiền Giang thường xuyên bị tắc nghẽn.
Do tình trạng ùn tắc kéo dài hàng cây số, trạm thu phí BOT ở chân cầu Rạch Miễu đã buộc phải xả trạm nhiều lần nhằm giảm bớt áp lực giao thông.
Anh Trần Văn Linh (34 tuổi), trú tại huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, anh đang đưa gia đình trở lại TPHCM để làm việc. “Ngày thường di chuyển từ quê lên nhà trọ trên thành phố chỉ mất 3 giờ đồng hồ, nhưng hôm nay nhà tôi đi từ sáng sớm mà giờ này (14h) chưa tới nơi. Đường đông lắm, chỗ nào dừng đèn xanh đèn đỏ cũng mất từ 5 đến 10 phút” - anh Linh chia sẻ.
Nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc trên trục đường từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới TPHCM diễn ra phức tạp, nhất là dịp cuối tuần, nghỉ lễ tết. Ngoài trục quốc lộ 1A, các trục khác như quốc lộ 50, quốc lộ 62, N2 hay trục cao tốc Mỹ Thuận - TPHCM cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều người dân chia sẻ dù biết trước sẽ di chuyển khó khăn nhưng không có cách nào tránh được tình trạng này bởi nhiều trục đường gần như độc đạo, không có lộ trình khác thay thế.