Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong đời sống

Minh Hà 16/12/2015 07:30

Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2006 - 2015, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hoà bình đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhất là trong lĩnh vực y tế, công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện công nghệ hạt nhân đang hiện diện và giúp ích gì cho đời sống lại là điều còn ít người biết tới. 

Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong đời sống

Vận hành an toàn lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

TS Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục NLNT Việt Nam cho biết: Thực hiện chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, trong 10 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng căn bản và tương đối toàn diện cho phát triển an toàn và hiệu quả ứng dụng NLNT. Đó là hành lang pháp lý, hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật, đội ngũ các nhà khoa học. Đặc biệt là ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ ngày càng được đẩy mạnh và đã có đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp...

Trong giai đoạn 2010 - 2013 đã có 31 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và 2 dự án sản xuất thử nghiệm được phê duyệt và triển khai. Đặc biệt, đề án “Phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020” đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu, trong đó có ứng dụng công nghệ chiếu xạ tia gamma dùng trong công nghiệp dệt may, ứng dụng kĩ thuật soi tia gamma kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tháp chưng cất hóa dầu, chế tạo thử nghiệm thành công thiết bị đo phóng xạ bao gồm phần cứng và phần mềm.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh: Việc triển khai chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH. Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng NLNT đã tạo ra nhiều giống, cây trồng mới năng suất, chất lượng cao. Đến nay đã có hơn 50 giống đột biến ở lúa, đậu tương, lạc, ngô, hoa được công nhận và đưa ra sản xuất.

Theo đánh giá của Đại hội đồng cơ quan Năng lượng nguyên tử IAEA, năm 2014, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” cho Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam và GS.TSKH Trần Duy Quý.

Hiện nay, việc ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp đã triển khai được 3 trong tổng số 6 lĩnh vực bao gồm chọn tạo giống cây trồng; nông hóa, thổ nhưỡng; bảo quản và chế biến với nhiều kết quả khả quan như có hơn 50 giống cây trồng được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến bao gồm giống lúa, đậu tương, bưởi...

Riêng đậu tương có tới trên 50% diện tích được trồng là các giống được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ. Giống lúa đột biến VND-95-20 là giống chủ lực để xuất khẩu đã chiếm 30% trên tổng số 1 triệu ha đất canh tác tại ĐBSCL. Giống lúa đột biến DT10 được tạo ra trong những năm 90 và từ đó đến nay đã tạo ra tổng thu nhập lên đến 3 tỉ USD...

Trong lĩnh vực y tế các cơ sở y học hạt nhân của Việt Nam đã được trang bị 6 liều kế, 8 hệ ghi đo gamma in vivo và in vitro, 21 máy SPECT và SPECT/CT, 6 máy PET/CT và 3 Cyclotron. Tại BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy số bệnh nhân xạ hình SPECT từ 7.000-8.000 người/năm; một số bệnh viện có số bệnh nhân xạ hình SPECT trung bình từ 2.000-3.000 ca/năm.

Các kỹ thuật xạ trị bằng SPECT và SPECT/CT để điều trị ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hóa, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm tại các cơ sở có trang bị thiết bị này...

Đối với điện quang, Việt Nam cũng đã có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ, 21 máy chụp mạch máu, 500 máy X-quang cao tần... áp dụng phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong đời sống