Ứng dụng công nghệ sinh học: Động lực để phát triển

Huyền Trang 24/12/2015 09:45

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong giai đoạn mới – định hướng, nhiệm vụ và giải pháp”. 

Ứng dụng công nghệ sinh học: Động lực để phát triển

Công nghệ sinh học có khả năng tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ
đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Giải pháp ưu tiên

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho rằng: Công nghệ sinh học (CNSH) là một ngành có khả năng tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Với những thành tựu vượt bậc của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ, từ cuối thế kỷ 20 CNSH đã trở thành một nền khoa học cơ bản góp phần tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp vai trò trong quá trình phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với Việt Nam, là quốc gia đi lên từ nông nghiệp, hơn 60% dân số sống ở nông thôn, CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là một yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh lương thực; dịch chuyển cơ cấu và phát triển bền vững nền kinh tế; cung cấp những sản phẩm cơ bản trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Cùng với công nghệ thông tin, sự phát triển của CNSH trong thời gian qua đã có tác động rất lớn, với nhiều mô hình ứng dụng đạt hiệu quả kinh tế cao.

PGS.TS Phạm Ngọc Linh- Vụ trưởng Vụ KH&CN, Môi trường (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng khẳng định: Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu, rộng và đầy đủ với nền kinh tế thế giới. Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ đã khẳng định ưu tiên phát triển một số công nghệ cao, công nghệ tiên tiến sẽ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đầu tư phát triển CNSH là giải pháp ưu tiên. Trước hết là trong lĩnh vực có liên quan như nông nghiệp, y dược, công nghệ chế biến và bảo vệ môi trường…

Nhiều ứng dụng chưa đi vào thực tiễn

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, CNSH của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó, nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNSH trong các cấp, ngành, nhân dân đã được nâng lên. Việc xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực trong CNSH đã được đầu tư. Trình độ nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong sản xuất đã bước đầu được phổ biến góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản… Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thẳng thắn nhận định CNSH của Việt Nam còn lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Về điều này, GS Trương Nam Hải- Chủ tịch Hội đồng ngành CNSH (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng: 10 năm qua, chúng ta đã có những thành công (như ứng dụng CNSH trong sản xuất vacxin), nhưng những thành công đó có được phần nhiều là được doanh nghiệp mạnh, nhà nước đặt hàng. Còn nhiều thứ chúng ta mong muốn ứng dụng nhưng chưa vào được thực tiễn.

TS Lê Văn Tri- Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đồng tình: Tôi mới xem chương trình trên truyền hình, có nói rằng sắp tới Việt Nam gia nhập TPP, gạo Nhật xuất khẩu sang chúng ta được vào siêu thị, nhưng ngược lại, gạo chúng ta xấu khẩu sang Nhật thì lại cho vào kho, để chế biến làm thức ăn chăn nuôi? Tại sao khoa học Việt Nam lại để chuyện đó xảy ra?

Chúng ta làm gì và không làm gì, sẽ giải quyết trong 20 năm tới. Nhưng phải hứa làm tới cùng. Hiện nay khoa học có việc là đáng lẽ phải giải quyết triệt để một vấn đề, từ giống, năng suất, chất lượng gạo để làm sao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tại sao đi ăn Nho Mỹ cuống khô hết mà quả không hỏng, có sử dụng hóa chất không? Đó là khả năng tích nước, khả năng công nghệ…

Mục tiêu cho sự phát triển

TS Lê Văn Tri nhấn mạnh: Vấn đề nông nghiệp hữu cơ là mấu chốt. Rau trồng nông nghiệp hữu cơ giá sẽ khác. Chúng ta chủ động hoàn toàn về nông nghiệp hữu cơ, chỉ có điều phải đưa phân bón phù hợp. “Trong các năm tới Việt Nam phải phát triển xanh, sạch, đẹp, văn minh. Cây cối xanh, đất nước xanh, ăn uống sạch, môi trường sạch. Có sạch thì thế giới mới đến với chúng ta. Chúng ta không thể bỏ lúa, mà phải sống bằng nông nghiệp…”

Qua hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất những mục tiêu trong năm tới. Trong đó, CNSH cần được ứng dụng rộng rãi, được xác định là một ngành kinh tế kỹ thuật có đóng góp quan trọng cho sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nói chung. Đến năm 2030, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, sản xuất và cung ứng sản phẩm CNSH đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Xây dựng được thương hiệu quốc tế cho một số sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp và y dược…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng công nghệ sinh học: Động lực để phát triển