El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu đến một mức chưa từng thấy. Điều đó sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường.
Tác động sâu rộng
Theo Liên hợp quốc (LHQ), giai đoạn từ năm 2023 đến 2027 nhiều khả năng là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận, khi khí gây hiệu ứng nhà kính và El Nino kết hợp khiến nhiệt độ tăng vọt.
Giám đốc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas cho hay, hiện tượng El Nino là tình trạng nóng lên quy mô lớn của nhiệt độ bề mặt ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương, thường xảy ra cứ 2 đến 7 năm một lần. Hình thái thời tiết này kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu đến một mức chưa từng thấy.
“Điều đó sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng” - ông Taalas nói.
Thời tiết nóng và khô do El Nino gây ra đang đe dọa các nhà sản xuất lương thực. El Nino xuất hiện, sản lượng lúa mì ở Australia - nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ hai thế giới - sẽ bị ảnh hưởng do thời tiết khô hạn, trong khi sản lượng dầu cọ và gạo có thể bị ảnh hưởng ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Đất đang khô hạn ở Ấn Độ và Pakistan, dự kiến sẽ cản trở việc gieo trồng vụ hè, trong khi El Nino cũng được dự báo sẽ làm giảm tác động của mùa gió mùa quan trọng từ tháng 6 đến tháng 9 ở Nam Á.
“Nếu El Nino làm gián đoạn mùa gió mùa của Ấn Độ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và trồng trọt và hậu quả là cả nền kinh tế phải hứng chịu” - ông Mavalankar, Giám đốc Viện Y tế cộng đồng Ấn Độ có trụ sở tại Gujarat - cho biết.
Sản lượng ngũ cốc và hạt có dầu thấp hơn ở châu Á do El Nino làm gia tăng lo lắng về giá cả lương thực đối với một số người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, làm tiêu tan hy vọng giảm giá hơn nữa do giá thấp hơn trong những tháng gần đây. Ngay cả khi mô hình thời tiết cuối cùng thúc đẩy sản lượng cây trồng ở châu Mỹ, thì tác động ở châu Á có thể ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm toàn cầu.
Ngoài nguy cơ mất an ninh lương thực, El Nino cũng đang tác động xấu đến sức khỏe của nhiều người dân châu Á, khi nhiệt độ tăng cao bất thường.
Nhật Bản có thể phải đối mặt với một mùa hè nóng bất thường trong năm nay do hình thái khí hậu El Nino gây ra – điều mà một số chuyên gia cảnh báo có thể phát triển thành “siêu El Nino”.
Vào cuối tuần qua, nhiều khu vực ở Nhật Bản đã chứng kiến nền nhiệt tăng lên tới 30 độ C, nhà chức trách phải đưa ra cảnh báo sốc nhiệt. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, tính đến cuối tuần qua, đã có tới 1.843 người phải nhập viện nghi do sốc nhiệt, cao hơn gấp đôi so với tuần trước.
Tại Ấn Độ, tờ The Times of India đưa tin, gần 100 trường hợp tử vong do nắng nóng đã được ghi nhận vào đầu tuần này. Ở Bhojpur, phía Đông Bắc của đất nước, nhiệt độ đã tăng lên 45,3 độ C.
Tăng cường tiết kiệm điện
Trong ngày 24/6, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tiếp tục ghi nhận nhiệt độ vượt quá 40 độ C, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp thành phố này đạt kỷ lục nhiệt trước đợt sóng nhiệt khắc nghiệt tháng 6, khiến chính quyền thành phố này nâng cảnh báo thời tiết nắng nóng lên màu đỏ (mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 màu), khi phần lớn các khu vực trong thành phố sẽ có nhiệt độ lên tới 40 độ C.
Ngoài Bắc Kinh, một số khu vực lân cận như Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Nội Mông và Thiên Tân cũng đã nâng lên hoặc giữ cảnh báo thời tiết nắng nóng ở mức "đỏ".
Bên cạnh đó, những tuần gần đây, miền nam Trung Quốc đã phải vật lộn giữa nhiệt độ nóng bức và mưa lớn dữ dội. Mức tiêu thụ điện ở một số thành phố đã tăng cao kỷ lục do nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng cao.
Chính quyền thành phố Mậu Danh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã phải yêu cầu các công ty công nghiệp tích cực giảm tiêu thụ điện, đồng thời tăng cường chuyển đổi công nghệ tiết kiệm điện. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước, người dân và các trung tâm thương mại đặt nhiệt độ làm mát không dưới 26 độ C.
Giang Môn, một thành phố công nghiệp khác ở Quảng Đông, cũng phải cắt giảm sử dụng điện trong bối cảnh sức tiêu thụ đạt đến đỉnh điểm.
Trong khi đó, tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), các quan chức chính phủ đã đưa ra một kế hoạch kêu gọi sử dụng ít năng lượng hơn vào thời gian cao điểm. Các quan chức cho biết, từ tháng 1 đến tháng 4, mức tiêu thụ điện đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Nhật Bản, hôm 9/6, Chính phủ nước này cũng đã kêu gọi các gia đình và các ngành công nghiệp khu vực thủ đô Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8 để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định trong mùa hè cao điểm.
Hành động ứng phó
Ông Dileep Mavalankar cho rằng, nhiều người, kể cả các quan chức, vẫn thiếu kiến thức về cách hành động tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ cực cao, trong khi dữ liệu về tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt vẫn còn rất ít.
Theo ông Mavalankar, giáo dục công chúng là điều tối quan trọng. Kế hoạch của ông cho Ahmedabad - thành phố lớn nhất bang Gujarat (Ấn Độ) - liên quan đến các giải pháp đơn giản như hướng dẫn mọi người phải làm gì trong trường hợp nhiệt độ cao và chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về nhiệt, và dẫn đến tổng số ca tử vong giảm từ 30% đến 40% trong các đợt nắng nóng cao điểm.
Tại Đông Nam Á, những lo ngại về tình trạng thiếu nước trong những tháng tới đã lan rộng khắp khu vực, vì nhiệt độ cao làm tăng khả năng xảy ra thời tiết khô hạn và hạn hán.
Tại Philippines, các cơ quan chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước tiềm ẩn do El Nino gây ra để tránh lặp lại sự cố năm 2019, khi khoảng 10.000 hộ gia đình ở khu vực Metro Manila bị mất nước do mực nước trong các hồ chứa chính của thủ đô cạn khô. Ủy ban Tài nguyên nước quốc gia đã phản ứng bằng các kế hoạch dự phòng để tăng cường sản xuất và kích hoạt lại các giếng sâu.
Trong khi đó, Thái Lan đã đưa ra cảnh báo kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Malaysia cũng chuẩn bị cho một đợt hạn hán tấn công các bang Kedah, Kelantan và Perlis, kéo theo tình trạng khô nóng kéo dài.
Do sự xuất hiện El Nino có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn dự trữ nước, chính quyền liên bang Malaysia đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các địa phương để ứng phó với nguy cơ thiếu nước tiềm ẩn trên toàn quốc.
Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Malaysia đã phát động chiến dịch tạo mây kéo dài 2 ngày ở khu vực phía Bắc của đảo Penang, điều chỉnh các đám mây để tăng khả năng có mưa bằng cách rải thêm các hạt nhỏ giống như băng vào mây để giảm thiểu mực nước rút ở 2 con đập trên đảo Penang.
Tại Indonesia, các biện pháp đốt nương làm rẫy để khai phá đất đai canh tác sẽ bị cấm trong điều kiện thời tiết khô hạn hơn của năm nay. Chính phủ Indonesia hồi tháng 2 cũng đã khuyến khích nông dân và các công ty đồn điền đề phòng hỏa hoạn ở Sumatra và Kalimantan trước sự kiện El Nino.
Theo bà Dwikorita Karnawati - người đứng đầu cơ quan khí tượng của Indonesia - nỗi sợ hãi lớn nhất của bà là hành động vô trách nhiệm của một số người có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho tất cả mọi người.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tác động và rủi ro của El Nino, chính phủ các nước cần đưa ra các hệ thống cảnh báo sớm và hành động kịp thời, đặc biệt là trong các ngành nông nghiệp, y tế... Do El Nino có quan hệ mật thiết và có thể làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu, nên việc có ý thức, kêu gọi cộng đồng tránh gây ra những ảnh hưởng tới tự nhiên, biến đổi khí hậu cũng là điều hết sức quan trọng.