“Ung thư phổi là ung thư phổ biến hàng đầu thế giới, đứng thứ hai tại Việt Nam sau ung thư gan”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ chương trình Vì lá phổi khỏe mới đây.
Theo Tổ chức Ung thư thế giới, tỷ lệ người ung thư phổi ở Việt Nam đứng thứ 56 trong 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có dữ liệu, với mức 21,7 người mắc trong 100.000 dân. Tại Đông Nam Á, Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư phổi thuộc nhóm đầu.
Bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam thuộc cả hai giới, mỗi năm khoảng 23.000 ca mắc mới và 20.000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong cao do hầu hết bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, điều trị gặp nhiều khó khăn và tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn. Vì thế, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi hết sức quan trọng.
Nam giới có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn nữ do thường xuyên hút thuốc lá. 90% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 10-30 lần so với người không hút. Trẻ em, phụ nữ không hút thuốc trực tiếp nhưng lại chịu tác động của khói thuốc thụ động.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết ung thư phổi được đưa vào nhóm bệnh khó chẩn đoán, điều trị khó khăn. Nam giới, đặc biệt người trên 50 tuổi, khoảng 6 tháng đến một năm cần tầm soát ung thư phổi một lần. Người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên tầm soát sớm hơn.