Theo thống kê mới nhất của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (Globocan), mỗi năm Việt Nam ước tính có 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Năm 2022, Việt Nam ở vị trí thứ 90/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới, tăng 9 bậc so với năm 2018. Về tỷ suất tử vong, Việt Nam xếp thứ 50/185. Trong đó, dẫn đầu là ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi, với tỷ lệ mắc mới và tử vong tăng theo từng năm.
Globocan cho biết, mỗi năm tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong, trong đó bệnh ung thư là nguyên nhân đứng thứ 2.
Ở nước ta, ung thư đại trực tràng nằm trong 4 bệnh ung thư thường gặp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, theo Globocan năm 2022, số ca mắc mới là 16.800 và khoảng 8.400 ca tử vong hàng năm. Bên cạnh đó, cũng theo dữ liệu từ Globocan năm 2022, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 với 6.122 ca mắc mới, trong khi năm 2020 ung thư tuyến giáp đứng thứ 10 về số ca mắc mới tại Việt Nam. Dữ liệu này đã cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của bệnh lý ung thư tuyến giáp.
Theo GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), tại Bệnh viện K, năm 2023 đã khám 446.830 lượt người bệnh, tăng 34% so với năm 2022. Trong đó, số ca phẫu thuật hơn 30.600 (tăng 22%); số lượt hóa trị gần 36.00 (tăng 29%) và xạ trị gần 15.900 lượt (tăng 29%).
Các bệnh ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng. Theo BS Lê Văn Quảng, tỷ lệ mắc mới ung thư và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng. Trong đó, ung thư gan là một trong các bệnh ác tính và có số ca tử vong do mắc bệnh ở mức cao tại Việt Nam. Các tế bào ung thư tại gan sinh trưởng quá mức chính là nguyên dân gây ra bệnh ung thư ở gan. Tùy vào nguồn gốc của tế bào ung thư mà bệnh được chia thành ung thư ở gan di căn và ung thư ở gan nguyên phát. Về căn bệnh ung thư gan, TS.BS Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, yếu tố nguy cơ hàng đầu là những người mắc viêm gan virus B, C, gan nhiễm mỡ, xơ gan… vẫn chưa quan tâm theo dõi và điều trị bệnh nền của mình ổn định. Ngoài ra, ung thư gan còn liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, nhiễm độc nấm aflatoxin… Do đó, BS Vũ Hữu Khiêm khuyên mọi người nên chủng ngừa viêm gan B, C đầy đủ, hạn chế uống rượu bia, ăn nhiều rau xanh, tăng cường vận động, không sử dụng các loại thực phẩm khô bị nấm mốc, thực phẩm ngâm muối…
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, khoảng 1/3 các bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Do đó việc kiểm tra sức khỏe, tầm soát phát hiện sớm ung thư rất quan trọng.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nam giới cao hơn nữ giới, ước tính cứ 12 người nam mắc bệnh thì có 4 - 10 bệnh nhân là nữ. 90% trường hợp bị ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá chủ động và thụ động. Việc hút thuốc lá dài hạn có thể khiến tích tụ các chất độc hại không chỉ gây ung thư phổi mà còn gây tổn thương hàng loạt các cơ quan khác như thanh quản, thực quản, bàng quang, thận, tuyến tụy… Ngoài thuốc lá; khói bụi, ô nhiễm môi trường hay các hóa chất độc hại cũng tác động xấu đến phổi gây ung thư. Ung thư phổi thường không gây ra triệu chứng ở thời gian đầu, đến khi xuất hiện triệu chứng bệnh đã ở giai đoạn muộn. BS Vũ Hữu Khiêm cho biết, ung thư dạ dày thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể chỉ đau mơ hồ ở vùng thượng vị, cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Khi ung thư tiến triển, bệnh nhân có thể đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn ngay sau ăn, suy kiệt do khối u lớn gây hẹp dạ dày và xâm lấn ra xung quanh. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày gồm nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), tuổi cao, ăn nhiều thịt chế biến sẵn, thực phẩm hun khói, đồ ăn cay, đồ nướng, ít chất xơ, ít vận động…
Đối với phụ nữ, theo báo cáo của Globocan, những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ bao gồm: ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư da và ung thư buồng trứng. Tính trong số các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới, ung thư vú chiếm hơn 1/10 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán mỗi năm. Ung thư vú phát triển do tổn thương ADN và đột biến gen có thể bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với estrogen.
GS Lê Văn Quảng cho rằng bệnh nhân ung thư có tỷ lệ tử vong cao vì phát hiện bệnh muộn. Phần lớn người bệnh đến khám ở giai đoạn 3 và 4, dẫn đến việc điều trị kém hiệu quả. Tầm soát ung thư và phát hiện bệnh sớm là yếu tố quan trọng để điều trị bệnh. Các phương pháp phẫu thuật và xạ trị không chỉ hướng đến việc điều trị khỏi bệnh mà còn hướng đến chất lượng sống và yếu tố thẩm mỹ của người bệnh. Nhiều thuốc mới như thuốc đích, miễn dịch hay các thuốc hóa chất mới ra đời giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư. Một số bệnh ung thư có tỷ lệ khỏi bệnh hơn 5 năm đạt trên 90% nếu phát hiện, điều trị ở giai đoạn sớm như: ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng...
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dinh dưỡng, tâm lý và các phương pháp khác. Vì thế hiểu được bệnh ung thư, tâm lý của người bệnh sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình Phát hiện sớm bệnh là chìa khóa để việc điều trị có hiệu quả, giá trị cao nhất cho bệnh nhân và thầy thuốc, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.
Đồng quan điểm GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho biết ung thư luôn là thách thức và gánh nặng của hệ thống y tế. Những năm qua, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư tại Việt Nam trong thời gian qua đã tăng lên khoảng 50% so với trước đây chỉ ở mức 20 - 25%. Việc người dân chủ động quan tâm đến sức khỏe của mình và đi khám tầm soát ung thư để nếu phát hiện bệnh cũng ở giai đoạn sớm, đó là tín hiệu đáng mừng. Người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, chế độ dinh dinh dưỡng phù hợp và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, giữ tinh thần thoải mái, tích cực…