Ứng xử cho đúng trước thông tin sai sự thật

Ngọc Quang 03/03/2016 21:12

Trước và sau Đại hội XII của Đảng trên không gian mạng đã và đang tồn tại những trang mạng xã hội (facebook) mạo danh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam khiến người dân băn khoăn, hoài nghi, đặt dấu hỏi động cơ, mục đích của những kẻ núp bóng mạo danh các trang mạng này.

Fanpage giả mạo Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Zing.vn.

Thông tin chính thức từ Ban Tuyên giáo - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho Đại Đoàn Kết biết: Trang facebook hiện sử dụng tên, ảnh đại diện của ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là hoàn toàn giả mạo. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không sử dụng trang cá nhân- blog hay facebook nào trên mạng Internet.

Đây là trang facebook mạo danh lãnh đạo cấp cao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiều nội dung thể hiện quan điểm, nhận xét, bình luận về theo lối cóp nhặt, phi logic, “câu view” trước những vấn đề “nóng” đang thu hút sự quan tâm của dư luận khiến cộng đồng mạng ít nhiều có quan tâm.

Ai cũng hiểu những đối tượng lợi dụng mạng xã hội để mạo danh các đồng chí lãnh đạo cấp cao không có mục đích gì khác, chỉ nhắm tới một mục đích, đó là làm nhiễu loạn thông tin, mất ổn định xã hội, suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việc lợi dụng sức mạnh của internet nói chung và facebook nói riêng để mạo danh cá nhân, tổ chức với mục đích xấu là vấn đề không mới, chúng đang tạo ra áp lực không nhỏ lên các cơ quan quản lý Nhà nước về truyền thông và công nghệ thông tin.

Qua những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận nêu trên một lần nữa cho thấy: Quan điểm tôn trọng tự do, thông thoáng đối với cá nhân, tổ chức khi sử dụng internet của Nhà nước ta đã và đang bị lợi dụng để phục vụ những mục đích xấu đi ngược lợi ích của quốc gia và dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khi trao đổi với báo chí đã nói: “Tôi khẳng định, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước không có blog và facebook cá nhân, những trang điện tử mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều là mạo danh”.

Trả lời báo Thanh niên ngày 8/1/2016, ông Trương Minh Tuấn chia sẻ quan điểm của mình: “Chính sách của các mạng xã hội đặt ở nước ngoài có một số điểm khác biệt với luật pháp Việt Nam và không chịu sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam nhưng công dân Việt Nam thì phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín danh dự của người khác là hành vi phạm pháp dù ở bất cứ quốc gia nào. Về mặt đạo đức thì không một xã hội nào chấp nhận hành vi đó. Con người phải hướng đến sự tốt đẹp, tính nhân văn thì xã hội mới văn minh và phát triển bền vững được”.

Thiết nghĩ, khi những hành vi giả mạo thông tin của cá nhân, tổ chức xuất hiện ngày càng nhiều, ngang nhiên, bất chấp luật pháp như hiện nay thì cơ quan chức năng cần tập trung đấu tranh, xử lý, có biện pháp can thiệp đủ mạnh để giảm thiểu, tiến tới kiểm soát được những đối tượng sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh mạng và an ninh thông tin.

Những thông tin đến từ internet và mạng facebook là vô tận, chúng ta đón nhận chúng như thế nào, ứng xử với chúng ra sao là câu chuyện chưa bao giờ có lời kết. Đấu tranh với thông tin sai sự thật, giả mạo cần phải thực hiện theo cả chiều rộng và chiều sâu và cần sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội.

Để cuộc đấu tranh này có hiệu quả và có thực chất, đòi hỏi mỗi cá nhân không ngừng nâng cao năng lực nhận thức, trang bị các kỹ năng cần thiết để phân biệt giữa đúng và sai - thật và giả - tốt và xấu… từ đó đủ sức đề kháng trước những thông tin giả mạo, sai sự thật, không bị tác động bởi cái xấu, cái ác vẫn đang tồn tại song song trong xã hội văn minh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử cho đúng trước thông tin sai sự thật