Với sự phát triển của công nghệ, hình ảnh người nổi tiếng… đang được lan toả nhanh chóng trên các trang mạng xã hội (MXH). Nhưng bên cạnh mặt tích cực thì những tin đồn thất thiệt đã gây ra nhiều hệ luỵ đáng tiếc.
Bỗng dưng “qua đời”
Mới đây, người hâm mộ nhạc sĩ Trần Tiến đã vô cùng bàng hoàng khi nhận được thông tin ông qua đời. Sau đó, chính nhạc sĩ và người nhà của ông đã phải đính chính lại thông tin. Điều đáng nói thông tin ác ý trên khi được đăng tải trên mạng xã hội không chỉ làm nhạc sĩ bị tổn thương mà còn làm cho gia đình và đồng nghiệp của ông một phen điêu đứng.
Chia sẻ trên MXH ca sĩ Trần Thu Hà (cháu nhạc sĩ Trần Tiến) bày tỏ, những tin đồn thất thiệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần của gia đình chúng tôi, của riêng nhạc sĩ và người hâm mộ. Vợ chồng nhạc sĩ, các con, cháu trong gia đình ngạc nhiên, sốc và đau lòng.
Tin đồn “bỗng dưng qua đời” của nhạc sĩ Trần Tiến không phải trường hợp đầu tiên. Trước đó hàng loạt các nghệ sĩ cũng đã bất ngờ bị đồn như vậy. Đơn cử, như nghệ sĩ Hoài Linh đã rất nhiều lần bị đồn qua đời. Thậm chí, tin đồn nhiều đến mức trên Google có hẳn những cụm từ khóa “Đám tang của Hoài Linh”, “Hoài Linh chết”, “nghệ sĩ Hoài Linh qua đời”… Chính bản thân nghệ sĩ cũng đã chán không quan tâm đến những thông tin ác ý này.
Hay như các con của ca sĩ Khánh Ly đã từng rất bàng hoàng khi nhận được tin mẹ mình qua đời. Ca sĩ Khánh Ly chia sẻ, có người gọi điện đến nhà hỏi con tôi xác mẹ đã về chưa. Tội nghiệp mấy đứa con tôi. Chúng ngây thơ nên nghe xong sợ hãi lắm. Đến giờ, chúng vẫn không hiểu vì sao người ta làm vậy với tôi.
Trước đó, nghệ sĩ Chí Trung cũng bị đồn chết vì tai nạn giao thông và bản thân anh bị làm phiền bởi phải nhận quá nhiều cuộc gọi, tin nhắn hỏi thăm. Không chỉ nghệ sĩ “lớn tuổi” dính phải những tin đồn thất thiệt này mà ngay những nghệ sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP, Phan Đình Tùng, Lê Dương Bảo Lâm… hay những “sao” của showbiz Việt như Đàm Vĩnh Hưng, Thuý Nga, Phi Nhung, Cẩm Vân, Hồng Vân cũng đã rơi vào hoàn cảnh “dở khóc, dở cười” này.
Tuy nhiên, sau những thông tin ác ý trên, với những người nghệ sĩ bên cạnh việc đính chính là cho qua mọi chuyện. Chính cách xử lý khá mềm mỏng này lại vô tình tiếp tay cho tài khoản MXH thiếu văn hoá tiếp tục lộng hành. Từ đó, những tin đồn thất thiệt như thế, xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng tới đời sống của các nghệ sĩ. Càng những nghệ sĩ nổi tiếng thì càng là đối tượng bị hướng đến nhiều nhất của những tin đồn ác ý này. Thậm chí, bên cạnh mục đích câu view, câu like thông qua những tin đồn thất thiệt, nhiều kẻ xấu còn cài vi rút hoặc phần mềm gián điệp lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng trên mạng xã hội.
Văn hoá sử dụng mạng xã hội
Có thể nói với sự phát triển của công nghệ, bên cạnh ứng xử văn hoá hàng ngày thì giờ đây mỗi người dùng cũng phải xây dựng ứng xử văn minh trên MXH hoặc có ý thức phòng ngừa trước những tin đồn xấu, vô căn cứ. Ngoài ra, một đặc điểm thường thấy của những tin đồn ác ý trên là thường đăng link “mượn danh” một số tờ báo điện tử nổi tiếng, cùng những bức ảnh được cắt ghép để đánh lừa người xem. Nhưng khi click vào đường link thì sẽ không có bất cứ thông tin nào. Những thông tin trên thường được phát tán từ những trang facebook có nhiều người theo dõi, hoặc Fanpage của các nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, được công chúng quan tâm.
Theo quy định việc sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác làm xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, nhân phẩm, danh dự… có thể bị khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại, bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất và mức độ hậu quả gây ra cho nạn nhân. Trong đó, hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức nào sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác”, và sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đồng thời, người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó” để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Mặc dù đã có những quy định xử phạt cụ thể nhưng đến nay gần như chưa có trường hợp nào tung tin đồn thất thiệt về các nghệ sĩ bị “tuýt còi” xử lý. Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng đã đến lúc những người nghệ sĩ nên có biện pháp mạnh tay để bảo vệ chính thân mình cũng như các đồng nghiệp. Nghệ sĩ nên công bố danh tính những trang Facebook hoặc trang mạng tung tin đồn thất thiệt và đòi gỡ bài, nếu không sẽ phải dùng đến biện pháp pháp lý. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện “mạnh tay” trong việc xử lý các thông tin rác, tin đồn ác ý để từ đó tạo nên văn hoá ứng xử trên môi trường MXH cũng như giải toả được bức xúc cho dư luận và các nghệ sĩ.