Hoàn thành một nửa nhiệm vụ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng nhưng người đứng đầu ngành GTVT chỉ “nghiêm khắc phê bình”, cấp dưới thì “phê bình nghiêm khắc”. Trò chơi “đố chữ” này hẳn còn kéo dài...
Sáng qua, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết ông và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm vì tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) chậm tại các trạm BOT.
Bộ trưởng Thể cũng cho biết, 30 cá nhân thuộc cấp đã làm bản kiểm điểm trách nhiệm, trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm; 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Trước đó, tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết yêu cầu, từ năm 2019, triển khai đồng bộ ETC đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước. Đến nay, sau một năm rưỡi, báo cáo của Chính phủ cho thấy, mới có 46 trạm triển khai ETC, tức là mới được một nửa số trạm (trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc). Số lượng xe dán thẻ chưa đạt được như yêu cầu (mới có khoảng 800.000 - 900.000 xe/3,5 triệu xe toàn quốc) dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của ETC đã lắp đặt.
Còn nhớ, cách đây hơn 2 tuần, Bộ GTVT cũng từng kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án tăng phí BOT theo hợp đồng dự án nhằm gỡ khó cho nhà đầu tư sụt giảm doanh thu. Theo Bộ GTVT, đề xuất này nhằm khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp BOT do doanh thu thực tế thấp hơn phương án tài chính. Đặc biệt, theo Bộ Giao thông, việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng.
“Tăng phí theo hợp đồng” là lý do khá chính đáng. Tuy nhiên, có vẻ Bộ GTVT cố lờ đi việc chính bộ này đã chấp nhận sự tồn tại của nhiều trạm BOT “ngồi nhầm chỗ”. Theo báo cáo của ngành GTVT, có 17 trạm thu phí BOT đường bộ có “bất cập về vị trí đặt trạm” thậm chí, có tới 3 trạm thu phí BOT nằm ngoài phạm vi dự án. Tức là doanh nghiệp vay vốn, đầu tư một đoạn đường nho nhỏ nhưng lại đặt trạm thu phí tại quốc lộ, cao tốc, nhiều người qua lại để “thu hồi vốn nhanh”. Chính sự bất cập này tạo ra sự bức xúc của người dân. Đỉnh điểm là chuỗi sự việc ở BOT Cai Lậy.
Trở lại việc thu phí điện tử không dừng. Đây được coi là giải pháp nhằm đẩy nhanh lưu thông, minh bạch hóa tài chính tại các trạm BOT, tránh tình trạng “thu cao - báo lỗ” để kéo dài thời gian, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, sau hơn 30 tháng, cơ quan thường trực của Quốc hội ban hành Nghị quyết, tiến trình triển khai mới được gần 50%, tức là Bộ GTVT mới hoàn thành một nửa nhiệm vụ. Vậy mà, người đứng đầu ngành chỉ “nghiêm khắc phê bình”, cấp dưới thì “phê bình nghiêm khắc”. Trò chơi “đố chữ” này hẳn còn kéo dài khi mà các trạm BOT còn đầy bê bối mà tâm thế một số cán bộ lại thích “bênh”.
Nhìn từ lình xình tại các trạm BOT, cử tri mong muốn, ngành GTVT có giải pháp tổng thể nhằm phát huy rõ hiệu quả đầu tư tại các trạm BOT, nhận được sự đồng thuận của các địa phương và người sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương cũng như của đất nước.
Còn như hiện nay, một số trạm BOT đang góp phần chia cắt lòng dân, là rào cản cho sự phát triển.