Nói cho công bằng, mùa lễ hội Xuân Canh Tý 2020 ngay từ những ngày mở hội đầu tiên đã được hạ nhiệt rất nhiều. Lễ hội Hiền Quan dừng trò cướp phết, chùa Phúc Khánh chỉ còn lễ cầu an không còn cảnh ngồi tràn ra cầu vượt Ngã Tư Sở, Chùa Hương không tắc nghẽn… Tuy nhiên hơn cả yêu cầu chấn chỉnh mặt trái của lễ hội như đòi hỏi của thực tế những năm gần đây, năm nay, trong bối cảnh đại dịch cúm lây lan toàn cầu, vui lễ hội thế nào để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, tránh làm lây lan bệnh dịch đặt ra yêu cầu cao hơn nữa trong cách ứng xử với lễ hội.
Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, cần tránh những nơi đông người.
Cầu quốc thái dân an hay đi lễ đầu năm suy cho cùng là một nhu cầu chính đáng của người dân. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, năm nào mùa lễ hội cũng xảy ra những thực tế đáng chê trách. Và cứ vào mùa lễ hội các cơ quan quản lý lại canh cánh những nỗi lo. Nào tranh cướp lộc thánh đến mức bạo lực phản cảm, nào ùn tắc giẫm đạp lên nhau, nào đốt vàng mã nhiều vô kể, nào xuất hiện những biểu hiện mê tín dị đoan đi ngược với giáo lý của Phật giáo và thuần phong mỹ tục dân tộc…
Trước mùa lễ hội 2020, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành phố trong cả nước về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an phục vụ nhu cầu xã hội, trong đó yêu cầu chấn chỉnh tránh những biến tướng để “bảo vệ chính pháp”. Yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh những năm trước đó, cụ thể là năm 2019, các hoạt động dâng sao giải hạn, cắt giải oan gia trái chủ nở rộ quá đà với nhiều hoạt động biến tướng lệch chuẩn tâm linh, nhuốm màu sắc dị đoan gây bất bình trong dư luận xã hội.
Có thể nói cho đến thời điểm này, các hoạt động cầu an đầu năm mới 2020 đã được thực hiện theo đúng tinh thần của Giáo hội vì sự nghiệp hoằng dương và bảo vệ chính pháp, giữ vững niềm tin của xã hội. Ghi nhận ở nhiều ngôi chùa những ngày qua cho thấy lễ cầu an diễn ra trong trật tự, an toàn. Lễ hội ở nhiều địa phương vốn tiềm ẩn những nguy cơ gây lộn xộn cũng đã không còn tái diễn.
Tuy nhiên, mùa lễ hội Xuân Canh Tý đang diễn ra trong một thực tế khác, cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch corona. Việc chúng ta vẫn tiếp tục tụ tập đám đông với số lượng lớn tại các chùa, các đền, các phủ như những ngày qua là tiềm ẩn những nguy cơ cực kỳ nguy hiểm. Người ta vẫn chen chân nhau để được dâng lễ, được ghi công đức tại một số cơ sở thờ tự, vẫn vài ngàn người tập trung dự một khóa lễ...
Đương nhiên, như ở đầu bài viết này chúng tôi đã nhấn mạnh, đi lễ đầu năm là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của mọi người dân. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần phải cân nhắc cẩn trọng để đảm bảo những lợi ích chung của cả cộng đồng. Ví dụ như với mỗi người dân khi thực hiện theo những khuyến cáo của Bộ Y tế thì cân nhắc có nên tiếp tục tham gia các lễ hội tụ tập rất đông người hay không? Có nên chen lấn xô đẩy nhau để công đức như hình ảnh xuất hiện ở chùa Tam Chúc hay không? Đối với nhiều cơ quan đơn vị cũng nên cân nhắc việc triển khai các hoạt động du xuân cho cán bộ công nhân viên...
Như thông lệ hàng năm, vào những ngày đầu xuân mới, lễ hội được mở ra bất tận trên khắp cả nước cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Chúng ta không cực đoan hoảng sợ đến mức đóng cửa đình chùa, đền phủ. Nhưng chúng ta thận trọng để đảm bảo an toàn cho lễ hội. Nếu không cần thiết thì các địa phương nên cân nhắc việc dừng các phần thủ tục lễ hội như dừng tổ chức lễ khai hội, dừng việc tổ chức các hoạt động của lễ hội như mọi năm. Thật mừng vì được biết cho đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương đã họp bàn đưa ra các quyết định tạm dừng việc tổ chức các lễ hội lớn. Điều này là cần thiết trong tình hình hiện nay. Nhưng dừng tổ chức lễ hội và hoạt động đi lễ của từng người dân là khác nhau. Chắc chắn ở những địa điểm tâm linh lớn như Yên Tử, Chùa Hương, Bái Đính, Tam Chúc... số lượng người đi lễ vẫn rất lớn. Cho nên ý thức của mỗi người dân trong việc tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng hiện nay là vô cùng quan trọng. Mọi nỗ lực của Chính phủ, của các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp chống dịch chỉ có thể thành công nếu có sự chấp hành và ý thức tự giác của từng người dân trong các hoạt động cụ thể.
Không hoang mang hoảng hốt, nhưng cũng không chủ quan, không bỏ lễ hội, không hạn chế nhân dân đi lễ đầu năm nhưng lễ hội trong những ngày đại dịch chỉ mang lại ý nghĩa, chỉ thực sự đảm bảo cho quốc thái dân an nếu được đặt trong lợi ích chung của cả cộng đồng.