Dự luật PCTN đã bàn đến vấn đề cốt lõi của quá trình khắc chế tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Nhưng quan trọng là phải đảm bảo tính độc lập, khách quan và toàn diện trong việc kiểm soát tài sản thu nhập.
1. Ngày 25/6, Ban Nội chính Trung ương- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác PCTN nhằm tổng kết công tác này trong thời gian vừa qua và đưa ra chỉ đạo về công tác đấu tranh PCTN cho thời gian tới. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh, Đảng ta đang tích cực đẩy mạnh đấu tranh PCTN. Nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phanh phui. Những bản án nghiêm khắc đã được đưa ra. Nhiều “con cá lớn” đã bị bắt, bị xử và đã phải nhận những bản án rất nghiêm khắc cho những hành vi tham nhũng của công lên đến hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ. Điều đó cho thấy, hệ thống các Ban Nội chính từ Trung ương đến cơ sở đã làm việc rất hiệu quả; kết hợp với hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng, thanh tra các cấp nên tham nhũng đã bị đánh mạnh vào tận những sào huyệt tưởng như khó có thể bóc gỡ. Cũng cần phải nói thêm rằng, kể từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN do đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng ban, hiệu quả của công tác PCTN đã được nâng lên rõ rệt; cùng với đó công tác kiểm tra, giám sát Đảng cũng góp phần phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng. Đó là cái đáng mừng của công tác PCTN do Đảng ta khởi xướng và đẩy mạnh kể từ Đại hội XI đến nay.
Trước hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, vào những ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 13-6, Quốc hội đã dành cả một ngày để thảo luận về Luật PCTN với mong muốn xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh để cán bộ nhất là cán bộ có chức có quyền không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Trong dự luật được bàn tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 vừa qua nhiều ý kiến đã nhắc đến biện pháp kiểm soát tài sản thu nhập, từ cơ cấu của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập đến việc kiểm soát tài sản thu nhập.
2. Dự luật PCTN như vậy là đã bàn đến vấn đề cốt lõi của quá trình tìm biện pháp khắc chế tham nhũng. Các vấn đề nêu trên đã nhận được nhiều sự góp ý. Chẳng hạn, bàn về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều ý kiến tán thành việc giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Còn lại, tuỳ đơn vị công tác của người có nghĩa vụ kê khai sẽ có các đầu mối khác nhau chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập. Nhưng, muốn làm thế nào thì làm, quan trọng là phải đảm bảo tính độc lập, khách quan và toàn diện trong việc kiểm soát tài sản thu nhập.
Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc việc quy định xử lý số tài sản ấy là điều ai cũng đồng tình. Nhưng xử lý thế nào với tài sản bất minh lại là một vấn đề. ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy (TP Hồ Chí Minh) sau khi nghiên cứu kỹ dự thảo luật thì bày tỏ quan điểm, chỉ chọn đặt chế tài xử lý vi phạm hành chính và phạt hành chính đối với người có nghĩa vụ kê khai khi có hành vi không khai đầy đủ các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, có nghĩa là các tài sản không được kê khai sẽ bị xử lý. Mức độ xử lý tùy theo quy định, có thể tịch thu toàn bộ. Theo lý giải của ĐBQH thì, đối với các tài sản, thu nhập đã được người có nghĩa vụ kê khai khai đầy đủ, không có cơ quan có thẩm quyền nào chứng minh là có liên quan đến vi phạm pháp luật, hành chính, hình sự hay buộc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự thì những tài sản này đương nhiên là tài sản hợp pháp, áp dụng cho mọi công dân trong xã hội.
Đưa ra quan điểm trái chiều, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) lại cho rằng, đối với việc xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, ĐB này đồng ý với đề xuất theo hướng thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai. Nhưng, ĐB cũng không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.
Còn, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) thì cho rằng, trước khi bàn phương án xử lý với tài sản bất minh, cần làm rõ khái niệm tài sản không rõ nguồn gốc và nhà nước không chứng minh được trường hợp này là tài sản như thế nào. Cần có tiêu chí phạm vi căn cứ định lượng, tránh cách hiểu nhiều nghĩa và vận dụng khác nhau và thước đo đánh giá tính hợp lý khi giải trình về nguồn gốc là gì, ranh giới giữa tính hợp lý và không hợp lý rất khó phân định. “Trong khi cộng đồng xã hội hiểu chưa đầy đủ, quy kết khẳng định rằng loại tài sản này là tài sản tham nhũng, tài sản bất minh chứ không phải loại tài sản tăng thêm chưa giải trình được hợp lý. Vì vậy, một số cử tri cho rằng phải tịch thu triệt để 100%, tại sao chỉ có 45%, như vậy vô tình hợp thức hóa 55% còn lại.”, ĐB Hạnh nói.
3. Như vậy có thể thấy về hình thức xử lý hay là ứng xử đối với tài sản bất minh là điều còn nhiều băn khoăn. Một trong những băn khoăn lớn nhất là liệu đánh thuế với tài sản không giải trình được có phải là một hình thức “phạt cho tồn tại” hay không?
Ở đây có nhiều luồng ý kiến khác nhau, người bày tỏ đồng tình việc thu thuế đối với tài sản không giải trình được lên đến 45 % thì cho rằng: Thực tế việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức là hết sức khó khăn, cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, làm báo cáo viên kiêm nhiệm, tham gia nghiên cứu khoa học... Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ có thể che giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và việc che giấu không kê khai này là sai, trái với quy định; nhưng theo quan điểm luật học cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp. Chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ có được là bất hợp pháp thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp. Kể cả trường hợp họ không giải trình được nguồn gốc tài sản thì cũng chưa thể thu hồi được bởi trách nhiệm chứng minh là của cơ quan có thẩm quyền, nhà nước pháp quyền không thể suy đoán có tội.
Để xử lý vấn đề này và nâng cao tính thuyết phục của quy định có ý kiến cho rằng, tương ứng với hành vi và hướng xử lý cấp độ 1 nhà nước chưa chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì chúng ta thu thuế, mức thu có thể áp dụng mức cao nhất của quy định hiện hành là 35% tổng giá trị tài sản do kê khai và cộng thêm phạt là 15% do kê khai không trung thực hoặc có thể nhiều hơn. Nếu xác định đối tượng kê khai không trung thực tương ứng với hành vi này là hình thức xử phạt hành chính. Để xử phạt thì tình tiết sẽ tăng nặng và có thể xử phạt gấp hai lần số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo quy định hiện hành. Có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật song song tùy theo từng đối tượng, từng trường hợp vi phạm. Nhưng, không nên áp dụng một mức thu thuế hoặc xử phạt ở mức 45% như dự thảo luật cho cả hai phương án trên là chưa hợp lý và tính thuyết phục chưa cao.
Theo hướng nghiêm khắc hơn nữa, có ý kiến đề nghị tăng mức phạt lên thành 75%; thậm chí có ý kiến đề nghị quy định thu hồi toàn bộ tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Có ý kiến đề nghị đối với tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý thì tạm giữ cho đến khi các cơ quan chức năng điều tra, nếu chứng minh được tài sản này hợp pháp thì trả lại; nếu do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có thì thu hồi theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Qua các ý kiến thảo luận và qua thực tế những vụ xét xử gần đây có thể thấy, nhân dân cần sự minh bạch, công khai trong xử lý tài sản sẽ nâng cao tính răn đe và tính phòng ngừa tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.