Hiện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đang phải đối mặt với thiếu hụt 650 triệu USD kinh phí trong năm 2023, khi trên toàn thế giới có khoảng 110 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Ông Filippo Grandi - người đứng đầu UNHCR cho biết, cơ quan này đang đối mặt với một trong thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hơn 70 năm. “Thế giới đang ngày càng chia rẽ, rời rạc và khép kín đã làm tăng thêm mối lo ngại khi làn sóng người di cư dâng cao. Họ đã phải rời bỏ nhà cửa, quê hương để hy vọng có cuộc sống mới an toàn hơn” - ông Filippo nói.
Trong khi châu Âu và Bắc Mỹ đang phải chịu sức ép rất lớn trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp thì cũng xuất hiện “ánh sáng cuối đường hầm” về vấn đề này. Ngày 16/10, truyền thông Tây Ban Nha loan tin Đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận bước đầu trong việc giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan đến vấn đề người di cư và tị nạn. Đó là cơ chế chia sẻ người tị nạn. Tuy nhiên, điều đó chưa được lãnh đạo các nước EU đồng thuận, do EU vẫn không thể đạt được thỏa thuận chung liên quan đến viện trợ nhân đạo và hoạt động cứu hộ trên biển đối với người di cư bất hợp pháp.
Cơ chế hiện nay của EU là cho phép các nước không tiếp nhận người tị nạn, người di cư nếu không muốn, thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận nhằm giảm bớt gánh nặng cho những nước “tuyến đầu”, trong đó có Đức, Italy, Pháp. Đồng thời, EU cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển. Bên cạnh đó, EU cũng kéo dài thời gian tối đa lưu giữ người di cư tại các trung tâm ở cửa khẩu so với mức 12 tuần hiện nay.
“Thật đáng buồn là các quốc gia nơi người di cư ra đi đã không có những biện pháp ngăn chặn cần thiết. Vì thế, số người di cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng cũng như các nhóm buôn lậu người ngày càng nhiều hơn, hoạt động ráo riết hơn. Số người thiệt mạng trên hành trình di cư đã ở mức cao nhất trong vòng 20 năm, tính tới tháng 10/2023” - theo đại diện UNHCR.
Và cũng thật đáng buồn khi hải trình từ châu Phi vượt Địa Trung Hải sang châu Âu và tuyến đường bộ từ Trung Mỹ sang Bắc Mỹ, đã trở thành những tuyến đường chết chóc đối với người di cư.