Trẻ em hiện chiếm đến hơn một nửa tổng số người di cư trên khắp toàn cầu, theo báo cáo mới nhất của Unicef. Đây là tình trạng đáng báo động khi có thể hủy hoại cả một thế hệ ở nhiều quốc gia đang có chiến sự.
Trẻ em tại một trại tị nạn trên đảo Lebos, Hy Lạp,
phần lớn đến từ Afghanistan, Syria và Iraq. (Nguồn: AFP).
Theo báo cáo trên, chỉ riêng 2 quốc gia gồm Syria và Afghanistan đã đóng góp đến một nửa tổng số trẻ em di cư đang được được bảo vệ bởi Cao ủy người Di cư của LHQ (UNHCR), trong khi khoảng 3.4 trẻ di cư trên toàn thế giới đến từ 10 quốc gia. Các cuộc xung đột mới hoặc đang diễn ra trên toàn cầu trong vòng 5 năm trở lại đây đã khiến số trẻ em di cư tăng lên tới 75%, tương đương 8 triệu người, đẩy chúng vào cảnh dễ bị rơi vào tay những kẻ buôn người, hay bị lạm dụng dưới nhiều hình thức.
Báo cáo của Unicef - trong đó phân tích dữ liệu mới nhất liên quan tới khủng hoảng di cư và xem xét ảnh hưởng của nó đối với trẻ em đã cho thấy khoảng 50 triệu trẻ em trên khắp toàn cầu đã di chuyển tới một quốc gia khác hoặc buộc phải rời khỏi nơi mà chúng sinh sống trong nước và trong số này, 28 triệu trẻ em phải chạy trốn chiến sự. Unicef cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng đưa ra hành động để bảo vệ trẻ em di cư và hỗ trợ trẻ em đang tìm kiếm dạng tị nạn hoặc đang trên các tuyến đường di chuyển, giúp trẻ em được đi cùng gia đình và cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế cho chúng.
“Dù nhiều cộng đồng và người dân trên khắp thế giới đã chào đón người di cư và trẻ em di cư, nhưng vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử, sự ghẻ lạnh đang đe dọa tới cuộc sống và tương lai của họ”- Giám đốc điều hành Unicef, ông Anthony Lake, nói.
Đại đa số trẻ di cư, khoảng 3,7 triệu, hiện đang sống ở các nước gồm Mỹ, Arab Saudi và Jordan; trong khi ở châu Âu, Anh hiện đang là nước tiếp nhận số lượng người di cư dưới độ tuổi 18 lớn nhất - khoảng 750.000 người.
Phần lớn trẻ di cư trên toàn thế giới sinh sống tại châu Á hoặc châu Phi, báo cáo của Unicef cho hay. Châu Á là xuất phát điểm của gần một nửa (43%) tổng số người di cư trên thế giới, với gần 60% trong số này di chuyển qua các nước trong khu vực. Đa số trẻ di cư châu Á được chính quyền Arab Saudi tiếp nhận, đây cũng là nước có số lượng lao động là người di cư lớn nhất.
Còn tính trên toàn cầu, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia tiếp nhận số người di cư lớn nhất, được đặt dưới sự bảo trợ của UNHCR, cũng là nước có nhiều trẻ di cư nhất.
Ở châu Phi, gần 1/3 số người di cư là trẻ em- tức gấp 2 lần tỷ lệ của toàn cầu và 3/5 số người tị nạn là trẻ em. Người di cư ở châu Phi di chuyển bên trong và cả bên ngoài lục địa này có số lượng ngang nhau, trong đó Nam Phi và Bờ Biển Ngà là hai nước tiếp nhận nhiều nhất.
Tuy nhiên, do xung đột tiếp diễn ở nhiều quốc gia, trong khi nhiều quốc gia ở châu lục này thiếu nguồn lực để đương đầu với cuộc khủng hoảng di cư hay tiếp nhận người tị nạn, nên họ phải gánh chịu áp lực rất lớn về mặt kinh tế và xã hội; báo cáo của Unicef cảnh báo.
Hiện nay, chính phủ các nước vẫn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu xem lý do vì sao và làm thế nào mà trẻ em phải di chuyển bên trong hoặc bên ngoài biên giới đất nước của chúng. Còn theo Văn phòng nghiên cứu của Unicef, có rất nhiều nhân tố đã đẩy trẻ em phải bỏ nhà ra đi để tìm cuộc sống mới, và kéo theo là rất nhiều rủi ro mà chúng phải đối mặt.
“Các hệ thống hiện tại mà chúng ta có để xử lý dòng người di cư mới chỉ tập trung vào người lớn chứ không tập trung vào trẻ em”- báo cáo nêu rõ. “Các hệ thống này thường chỉ dựa vào việc kiểm soát biên giới và hành pháp, mà chưa hiểu được rằng trẻ em phải chịu nhiều rủi ro hơn”.
Báo cáo cũng cho hay nhiều quốc gia không hề có bất kỳ hệ thống nào để tách biệt trẻ em di cư khỏi đoàn người di cư khi chúng đến các trại tập trung. Bởi vậy, trẻ em di cư hoặc tị nạn thường phải đối mặt với rủi ro rơi vào tay những kẻ buôn người, không được hỗ trợ, đối mặt với tình trạng nghèo đói, và không được ai bảo vệ quyền lợi…
Unicef ước tính trong thời gian tới sẽ có thêm khoảng 20 triệu trẻ em khác rời bỏ đất nước, chủ yếu để trốn chạy khỏi tình trạng nghèo đói, bạo lực và tội phạm. Trước tình hình này, UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ những dịch vụ sức khỏe, giáo dục, cũng như đưa ra những biện pháp bảo vệ trẻ em tị nạn trước hàng loạt nguy cơ.