Trước thực trạng ứng xử thiếu văn hóa của một số cán bộ công chức, vấn đề ban hành những bộ quy tắc ứng xử của cán bộ lại được xới xáo. Với Hà Nội, sẽ cấp tốc ban hành quy chế ứng xử của các cán bộ công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan hành chính và quy chế ứng xử của người dân TP ở nơi công cộng vào cuối năm 2016. Liệu bộ quy chế ứng xử, văn hóa, đạo đức của cán bộ có được nâng lên?
Ảnh minh họa.
Tại rất nhiều cuộc họp của Hà Nội vào những ngày cuối cùng của năm 2016 này, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội-Bí thư Hoàng Trung Hải đều cảm thấy rất buồn vì cách ứng xử của một số cán bộ của Thủ đô thời gian qua.
Ông cho biết, “các cơ quan của thành phố kiên quyết chấn chỉnh cán bộ, công chức, không để xảy ra tình trạng công chức ứng xử kém văn hóa như thời gian qua”.
Không buồn, không ưu tư sao được khi mà cán bộ không chỉ là bộ mặt của Thủ đô mà còn của đất nước, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì công chức của Thủ đô phải luôn gương mẫu, đi đầu mới xứng với truyền thống văn hiến ngàn đời của người Tràng An.
Vậy mà thật đáng tiếc hành vi không đẹp nơi công cộng điển hình là vụ hành hung nữ nhân viên hàng không, vụ đánh cụ ông 76 tuổi, vụ cán bộ xúc phạm nhà báo vẫn xảy ra.
Theo ông Hoàng Trung Hải “ứng xử như thế là rất đáng buồn, không phù hợp với tiêu chuẩn cán bộ công chức. “TP đã kỷ luật rất nghiêm những cán bộ liên quan. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục xử lý, kỷ luật, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn làm công bộc của dân”.
Nhắc lại những sự việc trên tại cuộc tổng kết thi đua của TP cuối năm, ông Hoàng Trung Hải nhắc nhở cán bộ của Thủ đô luôn phải nêu cao tinh thần gương mẫu, bởi khi đã xảy ra sự việc thì rất khó khắc phục. “Bởi bát nước đổ đi làm sao lấy lại được, có kỷ luật các đồng chí cũng có lấy lại được đâu”! “Nếu mỗi người chúng ta không thấy đau, không thấy xấu hổ thì không bao giờ khắc phục được”.
Để uốn nắn cách hành xử của cán bộ, sắp tới, Chủ tịch TP Hà Nội sẽ ký ban hành Quy chế ứng xử của các cán bộ công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan hành chính và quy chế ứng xử của người dân TP ở nơi công cộng.
Đặc biệt, Hà Nội cũng chọn chủ đề công tác của năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”, với quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của TP tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng”.
Câu chuyện cán bộ ứng xử thiếu văn hóa, có cách hành xử không đúng mực không chỉ có ở Thủ đô Hà Nội, đã có nhiều hành vi không đẹp của những công bộc của dân xảy ra ở nhiệm sở, ở nơi công cộng… điều đó vô hình trung làm hình ảnh cán bộ trở nên xấu đi trong mắt người dân.
Không chấp nhận hành vi thiếu văn hóa, thiếu gương mẫu của cán bộ công chức nhà nước, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức và đã giao cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ “ngoài việc xây dựng Nghị định về văn hoá từ chức, thì còn xây dựng văn hoá ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành nhiệm vụ”. Như vậy, sắp tới sẽ có thêm quy chế mới hướng dẫn cán bộ công chức ứng xử đúng mực. Tuy nhiên, những hành vi thiếu văn hóa của cán bộ công chức có được loại bỏ?
Còn nhớ trước năm 2007 để chấn chỉnh đạo đức công vụ, “Quy chế văn hóa công sở (năm 2007) đã được ban hành. Ngay sau đó 1 năm, năm 2008 đã có hàng chục quy chế, quy tắc về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức được các bộ, ngành và nhiều cơ quan ở trung ương, địa phương ban hành.
Chẳng hạn, Bộ Y tế có quy định về giao tiếp, ứng xử của cán bộ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh; Bộ Công an quy định về giao tiếp, ứng xử của cảnh sát khu vực; Kiểm toán nhà nước quy định về giao tiếp, ứng xử cho các kiểm toán viên.
Tại Khoản 2 Điều 11 Quy chế văn hóa công sở của Văn phòng Chính phủ quy định rõ: “Trong giao tiếp và ứng xử, công chức Văn phòng Chính phủ phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt”... Quy định là vậy nhưng trên thực tế vấn đề giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức vẫn chưa có được sự chuẩn mực như mong muốn.
Hiệu quả của các quy định này không nhiều là bởi hầu hết các quy chế và quy tắc giao tiếp, ứng xử đều quy định những việc cán bộ công chức phải làm và không được làm là rất rõ.
Nhưng điều khoản thi hành của các quy chế và quy tắc nói trên dù có quy định: “Cá nhân, đơn vị thực hiện tốt quy định này sẽ được khen thưởng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” nhưng những quy định của pháp luật không được dẫn chiếu hoặc thiếu chế tài cụ thể nên khó thực hiện.
Do vậy, khi có những phàn nàn từ người dân hoặc xảy ra sai phạm, các cơ quan thường áp dụng biện pháp phê bình, nhắc nhở. Hậu quả của cách xử lý này là làm giảm uy tín của các cơ quan và các hành vi tương tự có thể tái diễn.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân” và “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh” để nhấn mạnh rằng: “Đây là một bài học sâu sắc về giáo dục quan điểm phục vụ nhân dân và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay”.
Thủ tướng chốt lại, “cần đổi mới công tác cán bộ để cán bộ biết trọng dân, hết lòng phụng sự nhân dân” và sẽ “kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái; xử lý nghiêm các sai phạm, không có “vùng cấm” trong công tác xử lý cán bộ sai phạm”.
Hy vọng, các bộ quy tắc sắp ra đời sẽ có chế tài đủ mạnh để tình trạng cán bộ có hành vi thiếu văn hóa không còn tái diễn.