Đến thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) đã rục rịch công bố đề án tuyển sinh 2022. Xu hướng chung các trường đều giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT để chuyển sang tuyển sinh bằng các phương thức khác. Trong đó, có việc ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như: IELTS, SAT, A-Level…
Giỏi ngoại ngữ, dễ đỗ đại học
Việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ngoài việc giúp thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, còn có thể dùng để quy đổi sang điểm ngoại ngữ trong tuyển sinh ĐH,CĐ trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây.
Nếu như trước kia, chỉ những thí sinh xét tuyển vào các trường ngoại ngữ mới quan tâm tới việc học ngoại ngữ cho tốt, thì giờ đây nhiều trường ĐH đã thay đổi phương thức tuyển sinh. Theo đó, bất kể ngành học gì, miễn là giỏi ngoại ngữ, có bằng và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thì thí sinh đó sẽ được ưu tiên - dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể thấp hơn những bạn khác. Thống kê từ mùa tuyển sinh 2021 cho thấy, có khoảng hơn 60 trường ĐH tuyển sinh bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kết hợp với kết quả học tập hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngoại giao, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương TP HCM…
Trên thực tế, không ít trường ĐH tuyển sinh đặt ra yêu cầu sinh viên trúng tuyển phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh. Bởi sinh viên cần rất nhiều kỹ năng tiếng Anh chuyên sâu để trực tiếp nghiên cứu và phát triển chuyên môn. Việc chú trọng năng lực ngoại ngữ của người học trước hết nhằm tăng chất lượng tuyển sinh đầu vào, chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ nói riêng cho người học ĐH trong bối cảnh mới. Các đơn vị tuyển dụng cho biết, đa phần ứng viên giỏi ngoại ngữ thường tìm được việc làm có mức thu nhập cao hơn ứng viên không biết ngoại ngữ từ 30%-50%.
Hiện nay, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu của số đông sinh viên Việt sau khi tốt nghiệp. Khảo sát đối của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) với lao động mới ra trường cho thấy chỉ có 5% lao động tự tin về khả năng tiếng Anh, có đến 27% thừa nhận khả năng ngoại ngữ của họ rất kém. Vì thế, hàng năm, lượng sinh viên ra trường chật vật tìm việc làm vì năng lực tiếng Anh không đảm bảo đang chiếm số lượng không nhỏ.
Xu thế hội nhập trong đào tạo
Kể từ năm 2018 khi được tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, đẩy mạnh tuyển sinh ĐH bằng chứng chỉ ngoại ngữ đã cho thấy xu hướng hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến.
Đi đầu trong xu hướng này là ĐH Quốc gia Hà Nội với kỳ vọng sẽ tuyển được lứa thí sinh mới phù hợp cho các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Cùng với đó, hai trường ĐH đào tạo hàng đầu về kinh tế là ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế Quốc dân cũng mở rộng thêm một phương thức xét tuyển mới là xét tuyển kết hợp, trong đó yêu cầu IELTS đạt tối thiểu 6.5. Theo lý giải của ĐH Ngoại thương, việc xét tuyển kết hợp này sẽ áp dụng cho các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao – vốn đòi hỏi cao về năng lực tiếng Anh.
Như vậy, ban đầu vốn chỉ có một vài trường đi “tiên phong”, nhưng đến mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, việc có những trường ĐH nổi tiếng có điểm chuẩn cao “top” đầu như ĐH Y Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân,… cũng lần đầu tiên tuyển thí sinh giỏi ngoại ngữ đã chứng tỏ yêu cầu về môn ngoại ngữ, đòi hỏi trình độ ngoại ngữ trong tuyển sinh, đào tạo đang được nâng lên.
Chia sẻ thêm, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết có gần 50% sinh viên ngành cử nhân Điều dưỡng (dạy và học bằng tiếng Anh) của trường, sau khi tốt nghiệp đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang làm việc tại các bệnh viện lớn của CHLB Đức.
Sau 3 năm kể từ khi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh lứa đầu tiên theo phương thức xét tuyển kết hợp (chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT), PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đánh giá, những sinh viên này đều có kết quả học tập tương đối tốt. Các em đều giỏi ngoại ngữ, có khả năng tư duy sâu và thành thạo nhiều kỹ năng. Vì thế, mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tục tăng chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển này, đến 15 - 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuyển sinh ĐH bằng nhiều phương thức giúp cho cả thí sinh và cơ sở tuyển sinh đều chủ động hơn. Có thể nói, thay đổi cách tuyển sinh ĐH cũng là một cách các trường lựa chọn đúng thí sinh phù hợp. Thí sinh có năng lực cũng có thể đỗ ĐH sớm, vào được trường ĐH mình yêu thích mà không phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp THPT như trước đây.
Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, khi Bộ GDĐT tạo điều kiện để các trường có quyền tự chủ tuyển sinh, chính là cơ hội tốt để các trường tự thay đổi mình. Việc nhanh chóng nắm bắt cơ hội cũng cho thấy, các trường đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào. Chuẩn bị kỹ càng để đầu ra đạt chuẩn đào tạo quốc tế, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Đánh giá từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với các quốc gia ASEAN, trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đứng sau Singapore, Malaysia, Philippines và Brunei. Đội ngũ nhân sự đến từ các quốc gia trên sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếng Anh tốt và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Vì thế ngay tại Việt Nam, nếu không trang bị cho mình vốn tiếng Anh tốt, nhiều bạn trẻ có khả năng thua ngay trên sân nhà, khó kiếm được việc làm sau ra trường.