Chính trị

Ưu tiên nguồn lực cho dự án trọng điểm

Tâm Như 29/12/2023 21:40

Sáng 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

anh-bai-tren(3).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, năm 2023, lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp tục có nhiều điểm sáng với 26 dự án được khởi công, 20 dự án được hoàn thành. Riêng lĩnh vực đường bộ, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác với chiều dài 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.

Đặc biệt, trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, năm 2023, dù được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân đến hơn 94.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021), song, tính đến hết tháng 12/2023, khối lượng giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch. Dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%.

Với lĩnh vực hàng không, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn cho gần 753.000 lần chuyến bay, bằng gần 114% so với kế hoạch năm 2023 và bằng hơn 139% so với thực hiện năm 2022.

Năm 2024 Bộ GTVT tiếp tục khởi công nhiều công trình, trong đó có 3 dự án là gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn. 16 dự án khác gồm 10 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, 1 dự án lĩnh vực hàng hải là cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT. 1 dự án thuộc lĩnh vực hàng không là xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện hàng không và kết cấu hạ tầng giao thông hàng không.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm thuận lợi đan xen với khó khăn thách thức. Trong đó khó khăn thách thức nhiều hơn, nhiều diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể dự báo trước. Điều này đã tác động lớn đến tình hình trong nước, trong đó có ngành GTVT.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, Bộ GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thủ tướng cho biết, năm 2023, Bộ GTVT được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Về triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, TPHCM, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ ngay và luôn.

Bộ GTVT cũng đồng thời thực hiện tốt vai trò của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, tích cực, kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Cùng đó, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học để nghiên cứu, xem xét, thực hiện khi triển khai các dự án...

Về nhiệm vụ trong năm 2024, Thủ tướng cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ GTVT, đồng thời Thủ tướng lưu ý cần lấy đổi mới sáng tạo KHCN là động lực, nguồn lực dẫn dắt trong xây dựng, khảo sát, thiết kế, giám sát, tổ chức thi công các công trình trọng điểm. Từ đó, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực tham nhũng để phát triển nhanh và bền vững các công trình, dự án giao thông.

Giữ vững kỷ cương, phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát thường xuyên, giảm tất cả thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phải hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ đạo, sau khi di dời người dân để thực hiện các công trình, phải quan tâm đảm bảo quyền lợi việc làm, nơi ăn ở cho người dân để làm sao hài hoà nhất. Ngoài ra, cần chú ý một số dự án như ưu tiên nguồn lực cho dự án trọng điểm cảng hàng không quốc tế Long Thành, tập trung kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực lãng phí.

Về việc triển khai các dự án PPP giao thông, Thủ tướng cho biết, nếu năm 2023, lần đầu tiên ngành GTVT khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam trực tuyến tại 12 điểm cầu thì ngay ngày đầu năm mới 2024 (1/1/2024), một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh triển khai theo hình thức PPP sẽ được khởi công, tiếp đó sẽ là các dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; dự án Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định - Hải Phòng. "Đây là 3 dự án rất quan trọng, 3 vùng kinh tế khác nhau trong đó có một vùng kinh tế khó khăn, 2 vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên" - Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng đề nghị các đơn vị tư vấn nâng cao năng lực hơn nữa. Các nhà thầu tôn trọng pháp luật, không lợi dụng trục lợi chính sách, chia nhỏ dự án, cần đặt lợi ích nhân dân, dân tộc lên trên hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên nguồn lực cho dự án trọng điểm