Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ 6 vấn đề

Việt Thắng 22/05/2023 15:50

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là rất khó khăn.

Ngày 22/5, thẩm tra báo cáo bổ sung kinh tế xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ Quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Từ đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn 6 vấn đề.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn (để đạt mục tiêu 6,5%: 3 quý cuối năm, bình quân mỗi quý GDP tăng khoảng 7,5%). Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ; tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4%; các động lực chính của tăng trưởng đều giảm và đang trên đà suy yếu như xuất khẩu 4 tháng giảm 13%, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm lần lượt là 17,9% và 1,2%, sản xuất công nghiệp giảm 1,8%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ năm trước trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25% và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 4 tháng ước giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước, nhiều địa phương lập dự toán thấp nhưng lại giao cao hơn so với dự toán Trung ương giao (43/63 địa phương). Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu lớn (6,62 tỷ USD). Lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng bình quân biểu hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá giảm đáng kể hiệu lực.

Thứ hai, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các TCTD yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm. Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện nhưng ước tỷ lệ giải ngân 4 tháng mới đạt 14,66% kế hoạch, tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023. Chính phủ cũng chưa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc phân bổ số kinh phí chưa phân bổ của ngân sách Trung ương theo Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ NSTW năm 2023.

Thứ ba, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao (khoảng 9,3%/năm) và tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp 2,75% so với đầu năm, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn, trong Quý I, tổng giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lần lượt đạt 1,7 nghìn tỷ đồng và 28,96 nghìn tỷ đồng, giảm 92% và 87,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ TPDN năm 2023 lớn, nhất là Quý III dự kiến có khoảng 104 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới. Một số vụ việc xảy ra thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là những bất cập trong việc nhân viên ngân hàng tư vấn đầu tư TPDN, môi giới, tư vấn phát hành, hỗ trợ, cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người gửi tiền chuyển sang mua TPDN, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.

Thứ tư, nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông; thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối hợp chưa kịp thời, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu có những bất cập. Việc tăng giá điện gần đây cũng gây khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp trong khi cơ cấu giá mua-bán điện bất hợp lý là vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết.

Thứ năm, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được quan tâm thực hiện nhưng công tác thực thi hiệu quả không đồng đều. Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết với những chính sách chưa có tiền lệ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhưng thực tiễn cho thấy cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện đem lại kết quả rất khác nhau (đầu tư công có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt).

Thứ sáu, mặc dù đã cơ bản được kiểm soát nhưng số ca mắc Covid-19 đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để gây dư luận không tốt trong Nhân dân. Tình trạng cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc, vật tư y tế trong danh mục được BHYT chi trả để cung cấp cho người có thẻ BHYT vẫn chưa được giải quyết. Ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trang thiết bị, phương tiện dạy học. Quản lý hoạt động văn hóa trên không gian mạng, nhất là với phát ngôn, chia sẻ của các nghệ sĩ chưa phù hợp với sự đa dạng của thực tiễn. Công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế kiểm soát cũng như điều kiện về công nghệ. Tình trạng người lao động bị giảm việc, mất việc trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động có xu hướng tăng, tại thời điểm 1/4/2023 chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm trước (ngành dệt giảm 3,5%, ngành may giảm 5,2%, ngành da, ngành gỗ giảm 6,1%).

Số liệu về lao động, việc làm, thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và tình hình người lao động trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tình trạng tội phạm ma túy, cướp của, giết người, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp. Vẫn còn xảy ra những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, đuối nước, tai nạn gây tử vong trẻ em. Tình trạng trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần có nguy cơ gia tăng.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài.

Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách ở một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...

“Một bộ phận cán bộ, công chức ở Trung ương và địa phương còn né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm gây ách tắc, trì trệ trong giải quyết công việc; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế. Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội để sớm có giải pháp hữu hiệu khắc phục”, ông Thanh chỉ rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ 6 vấn đề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO