Chính trị

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính

Việt Thắng 11/04/2025 13:25

Theo dự kiến ngày 14/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Nghị quyết mới này sẽ thay thế Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030). Ngay sau khi thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị: sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8.

Về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua, Bộ Nội vụ đã gửi hồ sơ dự thảo Nghị quyết để Bộ Tư pháp thẩm định. Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính nêu 6 tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo định hướng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương.

Tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã bám sát 6 tiêu chí đã được Bộ Chính trị xem xét, thống nhất, gồm: Diện tích tự nhiên; Quy mô dân số; Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, dân tộc; Tiêu chí về địa kinh tế (trong đó đã bao gồm tiêu chí về vị trí địa lý, quy mô và trình độ phát triển kinh tế); Tiêu chí về địa chính trị; Tiêu chí về quốc phòng, an ninh.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định các đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; có vị trí đặc biệt quan trọng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia thì không bắt buộc sắp xếp.

8g9a8791.jpg
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền 2 cấp sẽ gần dân, sát dân và phục vụ dân tốt hơn (Ảnh: Quang Vinh)

Về tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, theo dự thảo Nghị quyết thì thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.

Tiêu chí về địa kinh tế: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mọi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.

Trong khi đó, tiêu chí xác định đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp gồm, đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng tỉnh, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo cũng nêu nguyên tắc gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bên cạnh đó, trường hợp sáp nhập tỉnh với tỉnh thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là tỉnh; trường hợp sáp nhập tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương thì đơn vị mới sau sắp xếp là thành phố trực thuộc trung ương.

Trường hợp sắp xếp phường với các đơn vị hành chính cùng cấp thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là xã.

Trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp huyện thì không phải xem xét điều kiện, tiêu chuẩn và không phải thực hiện quy trình, thủ tục điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện mà đơn vị hành chính cấp xã đó trực thuộc.

Ngày 7/4/2025, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cụ thể, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bộ, ngành trung ương chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm sau sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì, rà soát nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, thủ tục hành chính của chính quyền cấp huyện thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình và các nội dung có thể phân cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xuống chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã.

Trên cơ sở đó, chủ động ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất, báo cáo Chính phủ ban hành văn bản đối với các quy định khác luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ tham mưu, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật mới thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025; Luật mới thay thế Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2025.

Trước ngày 30/6/2025, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND, giao quyền Chủ tịch UBND các cấp. Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND phường, xã, đặc khu; vị trí việc làm gắn với biên chế của từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND phường, xã, đặc khu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính