Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng để phát triển kinh tế trong năm 2021, sức bật quan trọng và hàng đầu là từ nội lực. Nhưng điều cần làm rõ, theo ông Thành, quan trọng nhất là ai sẽ tạo nên sức bật cho nền kinh tế?
Đại diện một trong những hiệp hội ngành hàng bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết trong 11 tháng ngành du lịch đã bị sụt giảm đến 80% khách quốc tế, mất khoảng 1/2 khách nội địa.
Ông Bình cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết nhưng khi triển khai còn hạn chế. Số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và đã được hỗ trợ rất ít.
“Chính sách tốt nhưng chính những rào cản, thủ tục phức tạp khi triển khai làm giảm hiệu quả hỗ trợ. Khi chính sách không đi vào thực tế hiệu quả cần phải thẳng thắn nhìn nhận các khâu để điều chỉnh, cần nói rõ ràng, không nên để doanh nghiệp mòn mỏi”- theo ông Bình.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn. Đó là, chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng; gói chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng.
“Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”- ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói. Theo đó, cụ thể là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy đầu tư công để kích hoạt đầu tư tư nhân; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả quản trị của doanh nghiệp.
Con theo ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì một số điều kiện cho doanh nghiệp thụ hưởng cần được giảm xuống và đề ra các phương án đưa chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn.
Cụ thể thì, theo ông Thân, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, điều kiện kiểm tra chuyên ngành… để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng như đầu tư. Cùng đó cần chú trọng đến đào tạo nghề, phát triển các loại hình kinh tế phù hợp.
“Rất nên phát triển mạnh “kinh tế ban đêm” để đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, kích thích sản xuất từ các doanh nghiệp”- ông Bình nói và cho rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải phát triển một nền kinh tế “uyển chuyển và linh hoạt” để có thể cầm cự và phát triển bền vững trong mọi tình huống.