V-League 2015: Nỗi buồn đọng lại...

Minh Vy 22/09/2015 09:15

Lại một mùa giải V-League “về đích an toàn” như những tuyên bố quen thuộc trong các bản tổng kết của nhiều năm trước, nhưng thực sự nó đem lại cảm giác thất bại ở khâu tổ chức cũng như sự thụt lùi nơi tình yêu người hâm mộ.

Chức vô địch hoàn toàn xứng đáng cho B. Bình Dương.

Mừng, vui chẳng được bao nhiêu

V-League 2015 khép lại với niềm vui về chức vô địch đầy xứng đáng của B. Bình Dương. Nhiều người vui hơn nữa bởi đội bóng được yêu thích nhất HAGL đã trụ hạng thành công và sẽ lại tiếp tục có mặt ở sân chơi cao nhất mùa sau.

Với dàn cầu thủ trẻ đã chinh phục khán giả từ màu áo U19VN nên việc HAGL trụ hạng đã khiến nhiều người vui mừng hơn hẳn sau bao ngày tháng lo âu, hồi hộp theo bước chân họ trong cả quãng đường dài ngụp lặn, chiến đấu chống xuống hạng. BTC V-League 2015 có thể xoa tay hài lòng, nở nụ cười mỉm khi giải kết thúc mà không có đội bỏ giải và đội bóng phải xuống hạng Đồng Nai thực sự chấp nhận chứ không phải oan ức.

Họ có thể hài lòng khi V-League 2015 có số bàn thắng vượt trội so với mùa giải trước (555 bàn so với 466 bàn mùa 2014). Cùng với đó, đã không có sự cố nghiêm trọng nào trong khâu tổ chức, mùa giải ít bị kêu ca hơn bởi nạn bạo lực và nhất là việc hạn chế ngoại binh, cầu thủ nhập tịch đã khiến các đội bóng ưu tiên sử dụng nhiều cầu thủ trẻ và đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ ấn tượng và đầy triển vọng…

Ông Phạm Ngọc Viễn – Tổng Giám đốc VPF cho rằng: “Thành công lớn nhất của mùa giải năm nay là về mặt chuyên môn. So với các mùa giải trước, việc hạn chế ngoại binh đã tạo điều kiện cho các cầu thủ nội, các cầu thủ trẻ có cơ hội thể hiện mình. Điều này phù hợp và tốt cho các đội tuyển Việt Nam thời điểm này. Còn về những hạn chế cuối mùa, có một số đội bóng đã hết động lực phấn đấu nên các cầu thủ chơi giữ chân, không hết mình”.

Nỗi buồn càng cuối, càng tăng

Nếu đặt câu hỏi V-League mùa này có tiêu cực hay không? Câu trả lời chắc chắn là không sẽ đến từ những nhà tổ chức, cũng như VFF. Sẽ có hàng đống lý do được họ đưa ra để bao biện và quan trọng nhất, điệp khúc “bằng chứng đâu” sẽ lại được hoan ca. Thế nhưng, một số trận đấu như Đồng Nai - Thanh Hóa, Cần Thơ - Hải Phòng, HAGL - SLNA, HAGL - HN.T&T... sau khi kết thúc đã khiến người hâm mộ (NHM) nổi giận, truyền thông đặt nghi ngờ và với họ câu trả lời chắc chắn lại là có.

Một mùa giải mà V-League đã thực sự thu hút, kéo được khán giả đến sân ở giai đoạn đầu nhưng với nhiều trận đấu “có mùi” trong giai đoạn cuối đã lại đẩy NHM ra xa hơn nữa. Nhiều NHM đã rất hào hứng tới sân khi bắt đầu giải nhưng càng cuối càng quay lưng khi nhiều trận đấu không thể đem lại cảm xúc cũng như tình trạng “không xin, nhưng cứ cho” diễn ra liên tục.

Những phản ứng quyết liệt của các cổ động viên (CĐV) Hải Phòng hay SLNA trước những trận đấu bất thường của đội nhà là minh chứng rõ nét cho sự thất vọng. CĐV Trần Hoàn của Hải Phòng càng “nổi tiếng” hơn khi anh đã đưa 1 tuyên bố được rất đông CĐV khác đồng tình “bỏ Vi nát, theo sát bóng đá trẻ”.

Tương tự như CĐV Hải Phòng, CĐV SLNA cũng đã từng bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc, mong muốn VFF, Công an vào cuộc điều tra sau khi đội bóng xứ nghệ bất ngờ thua chủ nhà HAGL 1-3 ở vòng 22. Bản thân ông Nguyễn Hồng Thanh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA lúc đó cũng thừa nhận SLNA đã không chơi hết mình. Ngay sau khi đội nhà phải xuống hạng, HLV Trần Bình Sự (Đồng Nai) đã lên tiếng cho rằng đáng tiếc nhất ở mùa giải năm nay là những biểu hiện tiêu cực ở những vòng đấu cuối…

Những dấu hiệu tiêu cực cứ xuất hiện tại V-League như thách thức tất cả. Đáp lại, BTC giải dường như đang run sợ một kịch bản như hồi 2013. Nhiều người cho rằng VPF, VFF ngó lơ trước tình trạng này bởi bài học cách đây hơn 2 năm vẫn còn nóng hôi hổi với họ. Sau hàng loạt trận đấu như trêu ngươi NHM tại V-League 2013, XMXT.Sài Gòn đã bị ban kỷ luật VFF phạt trừ 4 điểm vì thi đấu thiếu tích cực trong trận thua K.Kiên Giang 1-3.

Phản ứng với quyết định này, XMXT.Sài Gòn đã tuyên bố bỏ giải khiến VFF, VPF cùng các đội bóng khác một phen choáng váng. Phía hậu trường đồn rằng XMXT.Sài Gòn muốn bỏ giải từ lâu rồi và họ chỉ chờ có cớ mà thôi! Chính bởi vậy, có lẽ cũng vì bài học đó nên năm nay, VFF, VPF nói thì to lắm nhưng chẳng dám “xuống tay” với đội bóng nào, dù những biểu hiện thi đấu thiếu tích cực đã được thể hiện công khai.

Một điểm tưởng chừng là thành công của V-League mùa này là nạn bạo lực có vẻ lắng xuống. Nhưng thực sự, bởi không có quá nhiều vụ nổi tiếng như những mùa trước nhưng chắc chắn nó cũng chẳng kém là bao. Số lượng thẻ phạt sau mỗi vòng đấu, số cầu thủ bị cấm thi đấu, HLV bị cấm chỉ đạo sau mỗi vòng đấu chẳng phải là ít.

Gần cuối giải, vụ đá gẫy chân Anh Khoa của Quế Ngọc Hải là đình đám nhất mùa. Thực tế thì Anh Khoa đã bị chấn thương nặng, đứng trước nguy cơ giải nghệ. Và thế là quá dễ cho VFF ra quyết định kỷ luật (phạt 15 triệu đồng, đình chỉ thi đấu 6 tháng, thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa) đối với Ngọc Hải.

Cảm thấy từng ấy chưa “đã”, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch VFF còn đăng đàn khẳng định sẽ kiến nghị Tổng cục TDTT trước mắt không triệu tập Hải vào đội tuyển quốc gia. Hoan hô ông Dũng chống bạo lực mạnh thật. Nhưng giá như ông cũng “lộ diện” kịp thời, xử đến nơi đến chốn những biểu hiện bất thường của SLNA, Hải Phòng… ở V-League năm nay thì dư luận sẽ phục ông hơn nhiều, thay vì nghĩ việc phạt nặng Ngọc Hải chỉ là cái cớ để VFF có thể viết thêm một dòng đẹp vào bản tổng kết mùa giải 2015.

Tiêu cực, bạo lực cùng các vấn đề liên quan đến trọng tài càng cuối mùa càng gia tăng và khiến lượng NHM tới sân giảm theo từng vòng đấu. Một mùa giải như vậy khó có thể coi là thành công tốt đẹp. Và cho dù BTC cố hoan ca nhưng thực tế khán giả càng lúc càng quay lưng, nỗi thất vọng càng lúc càng tăng giành cho giải đấu, cho những nhà tổ chức sẽ càng khiến bóng đá Việt chìm nhiều hơn trong những nỗi buồn ở tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    V-League 2015: Nỗi buồn đọng lại...