Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát tại nhiều nơi, đề xuất V.League 2021 phải hoãn tới tháng 2/2022 là phương án khả dĩ nhất, nhưng lại mang tới muôn vàn thách thức cho các câu lạc bộ.
Mới đây, VPF đã gửi công văn đến các đội bóng hạng Nhất và V.League để xin ý kiến đóng góp về việc lùi các giải đấu. Trong công văn, VPF cũng đã nêu rõ lý do phải hoãn V.League 2021 đến sang năm.
Trước đó vào ngày 16/7, VPF đã xin ý kiến các thành viên Hội đồng Quản trị về việc này và nhận được đa số phiếu thống nhất cao, nhưng lại thiếu thông tin cho các CLB khiến bị phản ứng gay gắt. Theo đó, VPF đưa ra kế hoạch dự kiến tổ chức trở lại các giải, khởi đầu bằng vòng 7 hạng Nhất (20/11 đến ngày 16/12), sau đó, giai đoạn 2 sẽ diễn ra (20/12 – 14/1/2022).
Trong lúc đó, đấu bù vòng 13 V.League 2021 diễn ra vào ngày 12/2/2022, sau đó, giai đoạn 2 sẽ diễn ra (16/2/2022 đến 12/3/2022). Các vòng đấu tiếp theo của Cúp Quốc gia 2021 lần lượt diễn ra vào các ngày 17/1/2022 (vòng 1/8), 8/2/2022 (tứ kết) và từ 15-18/3/2022 diễn ra vòng bán kết và chung kết.
Lịch dự kiến này được VPF căn cứ vào lịch thi đấu năm 2021 của FIFA, AFC và AFF, kế hoạch thi đấu của đội tuyển Việt Nam, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng về thời gian cách ly đối với người đi về từ vùng dịch và công dân từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hiện tại là 28 ngày (14 ngày tập trung và 14 ngày tự cách ly tại nơi cư trú).
Theo đó, tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, ĐT Việt Nam sẽ làm khách trên sân Saudi Arabia vào ngày 2/9, sau đó tiếp Australia tại Mỹ Đình vào ngày 7/9. Như vậy, khoảng thời gian FIFA Days là từ 23/8 - 7/9/2021 (FIFA Days tháng 9/2021) với các trận đấu gặp Saudi Arabia trên sân khách và dự kiến về nước vào ngày 3/9 để thi đấu với Australia vào 7/9 và thực hiện cách ly trong thời gian từ ngày 3/9 - 17/9 (14 ngày). Theo đánh giá của VPF, V.League có thể diễn ra từ 18/9 - 26/9 nhưng quỹ thời gian ngắn nên không thể hoàn thành trong năm 2021 dù có tổ chức.
Phương án thi đấu này đang bị nhiều câu lạc bộ V-League phản ứng dữ dội. Có khoảng 7 đội bóng không đồng tình với kế hoạch được VPF đưa ra. Điều này dễ hiểu khi phương án được tính tới gây ảnh hưởng nặng nề tới các câu lạc bộ ở nhiều mặt, từ kinh tế tới con người.
Ngoài ra, với nhiều CLB thì phần lớn các cầu thủ, đặc biệt là ngoại binh, khi ký hợp đồng đều là năm một. Thông thường, thời điểm kết thúc hợp đồng của cầu thủ với CLB chủ quản được ấn định là vào cuối mùa giải, được hiểu là tháng 9, 10 hoặc 11 hàng năm. Nếu giải đấu kéo dài sang tháng 2/2022 (hoặc lâu hơn), các CLB buộc phải đàm phán lại hợp đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải hoãn giải tới năm sau khi còn 5 tháng của năm 2021 trước mắt. Theo họ, V.League có thể đá xen kẽ với lịch thi đấu và tập trung của đội tuyển. Còn nhiều chuyên gia bóng đá, cho rằng VFF và VPF cần tính toán đến hài hòa lợi ích ĐTQG cũng như các CLB.
V.League 2021 có thể tiến hành được 5 lượt đấu vào các ngày 17, 20, 23, 26 và 29/9. Giải pháp này sẽ giúp V.League 2021 kết thúc vào ngày 3/11 mà không cần bất cứ thay đổi nào về thể thức thi đấu, chỉ thay bằng hình thức thi đấu tập trung theo cơ chế “bong bóng” để đảm bảo phòng, chống dịch.
Ngoài ra, có một thực tế là số phận của V.League đang mức “báo động đỏ”, khi có những đội bóng đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu giải đấu tiếp tục lùi vô thời hạn. Sân chơi bóng đá quốc nội là sân chơi thuộc về các CLB, nên thiết nghĩ rất cần lắng nghe ý kiến của người chơi để tìm phương án phù hợp nhất.