Trọng tài được ví là Vua sân cỏ, nhưng lại đang hứng bão chỉ trích bởi các quyết định sai lầm liên tiếp làm ảnh hưởng tới kết quả các trận đấu tại V-League. Làm thế nào để nâng chất lượng trọng tài, làm thế nào để phát hiện những tiếng “còi méo”, vẫn là bài toán chưa có lời giải. Nhưng dù thế nào, thì công tác trọng tài vẫn phải được chấn chỉnh…
Từ chuyên môn tới nghi ngờ tiêu cực
Mùa này, Ban trọng tài mất đi khá nhiều tên tuổi cầm còi có năng lực và vì nhiều lý do buộc phải đưa lớp trẻ lên thay thế. Chính bởi thế, việc việc mắc sai lầm của các trọng tài này cũng là dễ hiểu. Chính Ban trọng tài đã thừa nhận, chưa bao giờ đội ngũ trọng tài Việt Nam lại mỏng như hiện tại, chưa kể V-League thi đấu với thể thức mới, có mật độ dày đặc, và tính chất cũng khốc liệt hơn so với mọi năm.
Tuy nhiên, có một thực tế là Ban trọng tài tỏ ra thờ ơ với khuyến cáo về công tác trọng tài ngay từ những vòng đầu tiên, dù VFF đã sớm cảnh báo. Điển hình như trọng tài Mai Xuân Hùng - người đang khiến các CĐV thành Nam bức xúc sau trận thua CLB Sài Gòn mới chỉ có 4 trận cầm còi ở V-League mùa này. Vị trọng tài này như một sự ngẫu nhiên khó hiểu, đã được phân công bắt các trận đấu liên quan đến CLB Sài Gòn, Than Quảng Ninh và Nam Định tới 2 lần.
Ai cũng đã thấy những trọng tài như ông Hùng chưa đủ bản lĩnh, năng lực để điều hành các trận đấu ở V-League. Tất cả đã được thể hiện rất rõ ở những sai lầm nghiêm trọng trong trận đấu giữa Sài Gòn và Nam Định vừa qua.
Sai lầm về chuyên môn đã trở thành cơm bữa, nhưng dù sao vẫn có thể chấp nhận nếu trọng tài sửa sai và tốt lên. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là những quyết định của trọng tài luôn khiến các đội bóng phải hồ nghi về tiêu cực. Thực tế thì trong quá khứ, trọng tài Việt Nam đã không ít lần dính án.
Trong phát biểu mới nhất, Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền quả quyết: “Một số trọng tài đã mắc sai sót về chuyên môn, nhưng hoàn toàn không có vấn đề gì về tư tưởng hay tiêu cực. Nếu các đội bóng cho rằng trọng tài tiêu cực, hãy chỉ thẳng người đó đi. Tôi sẽ lập tức cấm họ cầm còi vĩnh viễn. Nếu không làm được như thế, tôi xin nghỉ”.
Ông Hiền cũng nhấn mạnh, nếu nói có tiêu cực cần đưa ra bằng chứng chứ không thể chụp mũ. Thậm chí, đương kim Trưởng Ban trọng tài còn tỏ ra quyết liệt tới mức thách thức: “Nếu có vấn đề tiêu cực, vậy thì ai đưa tiền cho trọng tài? Chính là lãnh đạo các đội bóng. Vậy hãy đứng ra tố cáo, chỉ đích danh đi”.
Bàn cách “giải cứu”
Trong động thái mới nhất, lãnh đạo VFF đã yêu cầu tăng án phạt đối với trọng tài Mai Xuân Hùng, từ treo còi 3 trận lên 6 trận. Như vậy, trọng tài Xuân Hùng phải nghỉ 3 trận cuối giai đoạn 1 và 3 trận đầu của giai đoạn 2 V-League 2020. Đây là án phạt nặng nhất với trọng tài ở mùa giải năm nay.
Trước đó, Ban trọng tài VFF đã đưa ra án kỷ luật đình chỉ công tác 3 trận với trọng tài Mai Xuân Hùng vì những sai lầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới trận đấu giữa Sài Gòn thắng Nam Định 3-0. Tuy nhiên, mức phạt này không thể khiến ban lãnh đạo và các cầu thủ Nam Định cảm thấy hài lòng.
Việc trọng tài Mai Xuân Hùng bị nâng án được xem là hành động nhằm xoa dịu dư luận, sau những sai sót liên tiếp thời gian vừa qua của giới cầm cân nảy mực.
Tuy nhiên, rõ ràng đây chỉ là cách giải quyết mang tính tình thế trước mắt, không phải là cái gốc của vấn đề. Đã có rất nhiều giải pháp được người trong cuộc đưa ra, từ việc thuê trọng tài ngoại, tới tập huấn nâng cao chất lượng trọng tài, giám sát chặt chẽ, rút kinh nghiệm và cả những án kỷ luật.
V-League 2020 chắc chắn còn hấp dẫn hơn nữa nếu như không có những sai sót của trọng tài. Điều cần làm lúc này chính là những thay đổi trong cách làm của đội ngũ lãnh đạo Ban trọng tài. Ban trọng tài phải đại phẫu, và hơn lúc nào hết VFF cần chứng tỏ khả năng quản lý, điều hành của mình ở thời điểm hiện tại. Còn nếu không, V-League khó mà có tương lai, thậm chí còn ngày một đi xuống bởi những tiếng còi không “chuẩn” của trọng tài.