V-League trong mùa dịch Covid-19: Đá không được, nghỉ không xong

An Chi 29/03/2020 08:00

Giải bóng đá số 1 quốc nội Việt Nam đang rơi vào cảnh tiến thoải lưỡng nan, khi huỷ bỏ cũng dở mà thi đấu tiếp cũng chưa có phương án nào khả thi. Những giải pháp mà công ty VPF vừa đưa ra chỉ khiến tình hình thêm rối, dù những nhà tổ chức khẳng định đây mới chỉ là dự kiến chứ không bắt ép gì các đội bóng.

V-League trong mùa dịch Covid-19:  Đá không được, nghỉ không xong

Cầu thủ Hà Nội FC đeo khẩu trang chống dịch khi di chuyển.

Hết dịch thì đá…

Ngày 25/3, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã ra thông báo hoãn V-League 2020, lẽ ra lăn bóng vào cuối tháng 3 phải dời lại đến ngày 15/4 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đây là lần thứ 3 V-League phải hoãn vì đại dịch Covid-19. Nhìn vào sự sốt sắng của BTC giải, có thể thấy những nhà tổ chức vẫn muốn giải đấu này diễn ra và kết thúc như kế hoạch. Lý do chính có thể VPF khó ăn khó nói với nhà tài trợ, bên cạnh đó là những lo ngại về việc cầu thủ một năm “ngồi chơi xơi nước”, ảnh hưởng tới phong độ, qua đó ĐTQG cũng bị ảnh hưởng.

Mới đây, đề xuất huỷ bỏ V-League của Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp gây xôn xao dư luận. Dù những ý kiến của người đứng đầu đội bóng xứ Quảng không phải không có lý, nhưng ngay lập tức VPF đã khẳng định “V-League không thể huỷ, vẫn diễn ra bình thường”.

Nhưng trong tình cảnh rất căng thẳng vì dịch bệnh như hiện tại, VPF có đưa ra phương án nào cũng đều gây nên tranh cãi, thậm chí chỉ trích từ chính những người trong cuộc là các đội bóng.

Theo đó, ở đề xuất gần nhất, VPF dự kiến tổ chức lượt đi của V-League 2020 tập trung ở 7 sân vận động miền Bắc. 14 CLB được chia thành 3 nhóm và dự kiến thi đấu theo phương án 1 từ 15/4/2020 đến ngày 29/5/2020 hoặc phương án 2 từ 1/5/2020 đến ngày 28/6/2020.

Nhiều đội bóng phía Nam thắc mắc vì sao VPF không tổ chức các trận đấu ở các sân phía Nam, chưa kể việc thi đấu dày đặc như vậy là không hợp lý.

Điều quan trọng, như chia sẻ của bầu Đức, lúc này tất cả cần tập trung chống dịch để lo mạng sống trước đã, đừng nghĩ gì về bóng đá. Ông chủ CLB HA Gia Lai nhấn mạnh: “Trong giai đoạn cả xã hội đang bất di bất dịch, toàn dân lo phòng chống bệnh tật thì tại sao các anh cứ nghĩ ra việc này việc nọ làm gì? Có nhất thiết phải đá không? Họ gửi văn bản xin ý kiến CLB nhưng chúng tôi không thể trả lời được”.

Theo bầu Đức, cả thế giới họ đang hoãn mọi hoạt động vì Covid-19. Ngay cả quán cà phê, tiệm hớt tóc còn phải đóng cửa thì bóng đá, môn chơi tập thể diễn ra là không ổn. Do đó, cứ tạm hoãn vô thời hạn, khi nào hết dịch sẽ tính tiếp.

Hầu hết các đội bóng còn lại cũng đều bày tỏ quan điểm không thể tham gia V-League ở thời điểm hiện tại. Tất cả đều nghe ngóng những tín hiệu lạc quan từ dịch bệnh trước khi đưa ra quyết định. Một lãnh đạo CLB đặt câu hỏi: “Nếu chẳng may một thành viên hay cầu thủ đội bóng chúng tôi dính virus Covid-19, khi đó cả đội cả trăm con người phải cách ly, ai sẽ chịu trách nhiệm, ai là người chịu thiệt?. Thôi chúng ta cứ ngồi yên cho lành, hết dịch thì đá…”.

V-League trong mùa dịch Covid-19:  Đá không được, nghỉ không xong - 1

Những sân vận động không người.

Bao giờ mới hết dịch?

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty VPF Trần Anh Tú nói: “VPF không buộc các CLB thi đấu trong trình trạng nguy hiểm. Chúng tôi cũng biết sức khoẻ và tính mạng con người là quan trọng nhất. Các đội chỉ đá lại khi tình hình Covid-19 lắng xuống, và nhà nước cho phép thi đấu. Trước khi đá, chúng tôi còn phải làm văn bản gửi lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Tổng cục TDTT để xin phép. Nếu được đồng ý, giải mới diễn ra”.

Cũng theo người đứng đầu VPF, huỷ V-League thì dễ, nghĩ phương án để có thể duy trì mới khó. Mà nếu bỏ, các cầu thủ không thi đấu, họ làm sao duy trì được phong độ khi đội tuyển quốc gia hội quân đá vòng loại World Cup hay AFF Cup vào cuối năm 2020. Thêm vào đó, các CLB xử lý sao với bài toán kinh tế đã ký hợp đồng với cầu thủ và các nhà tài trợ?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống thi đấu các giải quốc gia bị rối loạn trong hoàn cảnh bất khả kháng và đặt ra những bài toán khó cho các nhà làm bóng đá Việt Nam. Các đội bóng không muốn huỷ giải đấu, nhưng cũng không muốn thi đấu ở thời điểm này.

Bầu Đệ của Thanh Hoá nói: “Bỏ thì không được. Nói thế là không suy nghĩ cho người khác. Bỏ giải thì câu lạc bộ vẫn phải trả lương, lót tay cho cầu thủ vì hợp đồng đã ký rồi. Khi giải không diễn ra, các CLB làm sao để quyết toán được những khoản đó”.

Những nhà tổ chức mong muốn dịch bệnh được kiểm soát, nhưng bao giờ điều đó xảy ra, không ai có câu trả lời. Về phía VFF, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết cần có phương án giải quyết phù hợp nhằm đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất cho đội tuyển quốc gia với các mục tiêu lớn vào cuối năm nay ở ba trận còn lại của vòng loại thứ hai World Cup 2022 và bảo vệ chức vô địch AFF Cup 2020.

Theo ông Tuấn, V-League không thể hủy và trong mọi hoàn cảnh, cầu thủ cần phải có các hoạt động nghề nghiệp. Các CLB cũng đang đối diện khó khăn khi vẫn phải duy trì hoạt động, trả lương cho cầu thủ trong thời gian ngưng nghỉ. Việc này đồng thời cũng tạo ra những ảnh hưởng về mặt thương mại, về sự phát triển và sự ổn định của CLB.

V-League đá không được, nghỉ cũng không xong, và có phương án nào thì vẫn phải phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19. Nói như một lãnh đạo VPF, suốt mấy chục năm làm bóng đá, chưa bao giờ ông rơi vào cảnh tréo ngoe, không có phương án khả thi như hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    V-League trong mùa dịch Covid-19: Đá không được, nghỉ không xong