Nhằm đánh giá việc thực hiện Đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hoá, gia đình đến năm 2021, ngày 24/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo với sự tham gia của các cơ quan quản lý cùng các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực văn hóa, gia đình.
Triển khai từ năm 2017, Đề án “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình đến năm 2021, định hướng 2026” sau một thời gian triển khai bên cạnh những thành tựu và tiến bộ đạt được đang lộ ra nhiều tồn tại và hạn chế.
Ở đó, hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình có số lượng lớn, cồng kềnh, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể phải thực hiện, nhiều văn bản chứa đựng những quy định mang tính tuyên ngôn hơn là quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, còn rất nhiều lĩnh vực chuyên môn chưa có Luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh như lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ... Thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh ở lĩnh vực văn học, quản lý hoạt động trò chơi đang ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước.
Không những vậy, hệ thống pháp luật hiện hành về văn hóa, gia đình chưa thực sự tạo được nền tảng, hành lang pháp lý căn bản để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng. Hiệu quả hoạt động văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu, điều này làm giảm đáng kể hiệu quả quản lý nhà nước của ngành, làm phát sinh nhiều bất cập trong các hoạt động thực tiễn.
Đơn cử như trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm VHNT xuất hiện ngày một nhiều, song còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc và thành tựu của công cuộc đổi mới.
Một bộ phận văn nghệ sĩ tỏ ra lúng túng trong tiếp cận và nhận thức về những biến đổi và những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống hiện đại, lệch lạc trong khuynh hướng sáng tác và biểu diễn; một số tác phẩm và sản phẩm có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và các thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ chưa được quan tâm đúng mức...
Trước thực trạng trên, theo TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ: Đang cần cách nhìn mới về việc xây dựng luật và các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa nhằm nâng cao hiệu lực quản lý văn hóa, tạo điều kiện tốt nhất xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển bền vững vì hạnh phúc của nhân dân, vì đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Viết Chức, để khắc phục hạn chế việc quan tâm văn hóa chưa tương xứng với chính trị, kinh tế - xã hội, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế vậy có cần ban hành Luật Đầu tư Văn hóa không?
Nếu ban hành thì nội dung của nó đề cập tới vấn đề gì? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa cần được quan tâm ra sao? Có cần quy định cứng về đầu tư tài chính không? Có cần có điều khoản ngăn cản các địa phương tự cắt giảm đầu tư cho văn hóa không?
“Trong luật này có cần quán triệt sâu sắc quan điểm “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” với lập luận “động lực phát triển” cần được đầu tư để phát triển! Quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội” cần được đầu tư với vị trí là nền tảng để đảm bảo sự phát triển bền vững”, TS Nguyễn Viết Chức nói.
Còn theo NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Cần có thiết chế “cứng” từ nhà nước để kết hợp chặt chẽ văn hoá truyền thống với du lịch, cụ thể ở đây là Tổng Cục Du lịch và bên dưới là các Sở theo ngành dọc, các công ty du lịch.
Thay vì việc các Nhà hát phải loay hoay tìm đối tác và vướng mắc về cơ chế “phần trăm doanh thu”, các cấp chính quyền có liên quan sẽ chỉ đạo trực tiếp công tác phối hợp làm việc này. Thiết chế này sẽ giúp cho các đơn vị nghệ thuật có “đất sống”, chỉ việc tập trung nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ du khách.
Ngoài ra, cũng theo NSND Thanh Ngoan cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho nghệ sĩ làm nghệ thuật truyền thống. Ví dụ như tăng hệ số lương khởi điểm, tăng trợ cấp thanh sắc…để nghệ sĩ yên tâm làm nghề, tránh tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, nghệ sĩ phải vì miếng cơm manh áo mà làm mai một nghề hoặc bỏ nghề, đặc biệt là đối tượng nghệ sĩ trẻ mới vào nghề.
Có thể nói, để vá những lỗ hộ này cần xây dựng, ban hành chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ, tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp của các đơn vị VHNT. Cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng đối với điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật. Quy định cụ thể chế độ cho các doanh nghiệp đặc thù của ngành văn hóa được hưởng mức thuế ưu đãi trong hoạt động kinh doanh.
Cho phép các thành phần kinh tế, kể cả tư nhân trong nước và nước ngoài, thực hiện một số hình thức liên doanh, liên kết với một số cơ sở hoạt động văn hóa theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và tham gia tổ chức một số hoạt động văn hóa có nội dung lành mạnh, bổ ích.