Ngày 28/3, Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, đất ở tái định cư trên địa bàn thành phố và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nêu ý kiến xoay quanh dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật sư Nguyễn Minh Trí - Hội viên Hội Luật gia quận Bình Thạnh nhìn nhận, bản chất Luật BHXH thể hiện tính ưu việt, quan tâm chăm sóc đời sống người lao động sau một thời gian tham gia quá trình lao động và đến tuổi mất sức lao động. Ở nước ta, chính sách BHXH luôn được hoàn thiện theo xu hướng phù hợp nền kinh tế thị trường, là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội đất nước, thúc đẩy công bằng xã hội.
Ông Trí cho rằng, cần có chế tài đối với hành vi vi phạm về BHXH. Theo ông Trí, hiện nay phổ biến 2 hành vi chính: Doanh nghiệp có đóng BHXH cho người lao động nhưng đóng không đủ về mặt lượng và không đóng đủ mức tiền lương người lao động thực nhận theo quy định; doanh nghiệp không quan tâm thực hiện đóng BHXH cho người lao động theo quy định, đặc biệt là trích tiền lương của người lao động nhưng không nộp (chiếm dụng tiền BHXH), gây thiệt hại vật chất cho người lao động mà lẽ ra họ sẽ được nhận đúng và đủ sau thời gian dài làm việc, cống hiến.
Trong khi đó, ông Châu Văn Hai - thành viên Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ quận 11 nêu thực tế, một số công nhân đóng BHXH mấy năm liền nhưng khi công ty phá sản họ lại không được hưởng một chế độ gì cả. Ông Hai đề nghị, cần “vá” những lỗ hổng như vậy của luật trong lần sửa đổi này. “Chúng ta phải cố gắng làm sao để đồng cảm, đảm bảo lợi ích chính đáng của người đã đóng bảo hiểm, cũng như xử lý người làm sai để đảm bảo công bằng xã hội” - ông Hai mong muốn.
Dẫn một số điều của dự thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Tân Bình Lê Thị Thu Trà đánh giá, việc một số nội dung quy định cụ thể số tiền bảo hiểm là điều bất hợp lý bởi một luật tồn tại 10, 20 năm và lâu hơn nữa, dẫn đến những ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người dân về sau. Bà Trà đề nghị, nên quy ra số tương đối % mức lương được hưởng theo từng nội dung.
Cũng tại hội nghị, bàn về dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ chi phí thuê nhà ở tạm cư cho hộ gia đình, cá nhân trong thời gian chờ bố trí nhà ở, bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM nêu ý kiến, khi thành phố thu hồi đất và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện các dự án cần phải chuẩn bị đủ quỹ nhà ở, đất ở tái định cư. Tuy nhiên, thực tế tại các dự án trên địa bàn thành phố, do nhu cầu của người bị thu hồi đất đề nghị được bố trí tái định cư tại chỗ hoặc nhu cầu cấp bách phải bàn giao mặt bằng để thi công dự án nhưng chưa chuẩn bị được quỹ nhà, đất tái định cư.
Do vậy, để hỗ trợ, tạo điều kiện để người bị thu hồi đất đảm bảo về chỗ ở, ổn định đời sống và sản xuất, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 10/2020 và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 18/2022 của UBND thành phố áp dụng chính sách về hỗ trợ chi phí thuê nhà tạm cư nêu trên, nhằm đảm bảo quy định chặt chẽ về đối tượng, thời gian tính hỗ trợ, mức hỗ trợ phù hợp theo từng khu vực và có sự phối hợp các sở, ngành, quận, huyện để triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, công khai, minh bạch.
Nguyên Trưởng ban Văn hóa và Xã hội HĐND TPHCM Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, mức hỗ trợ rất thấp so với nhu cầu thực tiễn hiện nay. Do vậy, ở mỗi khu vực cần tăng thêm cho mỗi nhân khẩu được hỗ trợ theo quy định.
Đối với chi phí hỗ trợ được tính vào chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, các đại biểu cũng cho rằng, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án có trách nhiệm lập, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng người có đất bị thu hồi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án phải trình để có sự phê duyệt của UBND cấp có thẩm quyền mới có cơ sở thực hiện chi trả hỗ trợ chi phí tạm cư và thanh quyết toán khoản chi phí này.