Vaccine Covid-19: Nơi thiếu, nơi thừa

Hà Anh 27/05/2021 06:53

Hơn 1,7 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được cung cấp nhưng chỉ có 5,1% dân số thế giới được tiêm đủ liều. Bức tranh vaccine toàn cầu có sự phân hóa sâu sắc giữa các châu lục. Đặc biệt trong khi Ấn Độ đang tìm mọi cách mua vaccine thì Mỹ và một số nước lại đang dư thừa vaccine và có nguy cơ phải tiêu hủy vì thuốc sắp hết hạn.

Người dân chờ tiêm vaccine tại thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AP.

Quay cuồng tìm kiếm vaccine

Số liệu mới nhất của Ấn Độ cho thấy số ca mắc Covid-19 hàng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua, làm tăng hy vọng về khả năng đang dần kiểm soát được làn sóng thứ hai tàn khốc.

Theo đó, ngày 26/5, Ấn Độ thông báo ghi nhận 196.427 ca Covid-19 mới trong 24 giờ qua, mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ ngày 14/4 và chưa bằng một nửa so với mức cao nhất 414.188 được ghi nhận vào ngày 7/5.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 6 tuần qua, ca nhiễm mới hàng ngày ở Ấn Độ xuống dưới 200.000. Nhưng cũng có những lo ngại nhiều ca nhiễm mới không được báo cáo, do tình trạng khan hiếm xét nghiệm ở vùng nông thôn, nơi virus đang tấn công dữ dội.

Tổ chức Y tế thế giới ngày 26/5 chính thức xác nhận biến thể mang đột biến kép của virus SARS-CoV-2 mang ký hiệu B.1.617 đã xuất hiện tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Biến thể xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ này được biết tới với khả năng lây truyền rất cao và được cho là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 thứ hai ở Ấn Độ.

Trong khi số ca mắc mới giảm mạnh, giới lãnh đạo nước này vẫn rất lo vì thiếu vaccine. Theo các chuyên gia, chỉ 3% trong số 1,3 tỷ người của Ấn Độ đã được tiêm vaccine, tỷ lệ thấp nhất trong số 10 quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất. Con số ít ỏi này khiến Ấn Độ có nguy cơ rơi vào làn sóng đại dịch thứ ba.

Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nơi đang sản xuất vaccine AstraZeneca, và công ty nội địa Bharat Biotech đang cung cấp vaccine Covaxin, đều cho biết đang tăng cường sản xuất nhưng nguồn cung vẫn còn thiếu quá nhiều.

Trong lúc tuyệt vọng vì thiếu vaccine, một số bang ở Ấn Độ và thậm chí cả các thành phố lớn như Mumbai đã mở gói đấu thầu cung cấp trên toàn cầu, đồng thời kêu gọi các công ty như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cung cấp nguồn vaccine khẩn cấp.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ hiến Delhi Manish Sisodia, 3 công ty này đã liên hệ với chính phủ và tuyên bố sẽ không giao dịch với các cơ quan cấp tiểu bang. Phó thủ hiến Sisodia đổ lỗi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã xử lý sai và chậm trễ trong việc mua vaccine.

Cuối tuần qua, bang miền Bắc Punjab cho biết, các nhà sản xuất vaccine nước ngoài cũng đã từ chối họ. Bang Uttarakhand đã kéo dài gói đấu thầu vaccine cho đến cuối tháng 6 sau khi không nhận được bất kỳ giá thầu nào.

Trước tình hình này, lãnh đạo phe đối lập tại quốc hội Ấn Độ Anand Sharma đã kêu gọi Thủ tướng Modi gác lại mọi việc để làm việc với chính quyền các bang nhằm giúp họ mua vaccine. Pfizer hiện cho biết đang đàm phán với chính phủ Ấn Độ để cung cấp vaccine, nhưng chưa được cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ thông qua.

Vaccine dư thừa, nguy cơ phải tiêu hủy

Với vị thế là quốc gia có tổng số liều vaccine cao thứ nhì thế giới (sau Trung Quốc), Mỹ thậm chí đang chật vật để giải quyết số vaccine dư thừa. Việc này đã tạo thành sự tương phản rõ rệt với tình hình ở nhiều nước nghèo trên thế giới, nơi chương trình tiêm chủng bắt đầu trễ do “khan hiếm” nguồn cung.

Theo ước tính từ Đại học Duke, khoảng 92 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không thể đạt tỉ lệ tiêm chủng 60% dân số cho đến năm 2023 hoặc xa hơn, nếu việc phân phối vaccine diễn biến ì ạch như hiện tại.

Một số bang của Mỹ từng mong mỏi nhận được nhiều liều vaccine Covid-19 nhất có thể, giờ đây, họ đang thừa vaccine khi cung lớn hơn cầu. Nhiều bang đang phải nghĩ ra những cách mới và sáng tạo để tiêm chủng cho những người khó tiếp cận hay chần chừ tiêm vaccine, mặc dù hiện vẫn còn 43% người Mỹ chưa tiêm chủng.

Trong số 329 triệu liều vaccine được chính phủ liên bang chuyển tới các bang, khoảng 257 triệu liều đã được tiêm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Một số bang đang thừa vaccine, khiến các quan chức phải chật vật tìm cách triển khai số liều dư, đồng thời yêu cầu chính phủ liên bang ngừng gửi thêm vaccine.

Còn tại Hong Kong (Trung Quốc), do nhiều yếu tố tác động nên người dân không mặn mà với việc tiêm chủng Covid-19, khiến đặc khu này đối mặt với nguy cơ phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine sắp hết hạn sử dụng.

Guardian đưa tin, một quan chức y tế Hong Kong cảnh báo, đặc khu này có thể sẽ sớm phải vứt bỏ hàng triệu liều vaccine Covid-19 vì không có đủ người đi tiêm chủng trước khi các chế phẩm này hết hạn.

Ông Thomas Tsang, thành viên của lực lượng đặc nhiệm vaccine Hong Kong, cho rằng đó là một hành động không đúng đắn trong bối cảnh nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác đang vất vả nhưng vẫn không thể mua được vaccine. Đặc khu 7,5 triệu dân đã mua đủ liều vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức) và Sinovac (Trung Quốc) để tiêm cho toàn bộ người dân, nhưng tính tới nay mới chỉ có 2,1 triệu người tiêm chủng kể từ khi chương trình khởi động từ cuối tháng 2.

Trong khi đó, thái độ chần chừ tiêm chủng ở một số quốc gia châu Phi và hạn sử dụng ngắn cũng đã dẫn đến việc hàng chục nghìn liều vaccine ở nhiều nơi bị tiêu hủy. Giới chức quốc gia Đông Phi Malawi tuần trước tiêu hủy gần 20.000 liều AstraZeneca. Chúng là một phần của lô 102.000 liều do Liên minh châu Phi tài trợ vào cuối tháng 3, được đề hết hạn vào ngày 13/4, tức là Malawi có chưa đầy ba tuần để triển khai tiêm và họ đã sử dụng được khoảng 80% số đó.

Ông John Nkengasong - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi và WHO kêu gọi các quốc gia châu Phi không lãng phí vaccine được tặng. Tuy nhiên, chính phủ Malawi khẳng định không tiêm vaccine hết hạn cho người dân.

Tương tự, Nam Sudan cũng thải bỏ khoảng 59.000 liều AstraZeneca do Liên minh châu Phi cung cấp vào cuối tháng 3 sau khi chúng hết hạn vào tháng 4. Trong khi đó, Đan Mạch đang tìm cách chia sẻ vaccine AstraZeneca với các quốc gia khác sau khi nước này ngừng sử dụng do lo ngại về tác dụng phụ như đông máu.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), các quan chức y tế hồi tháng trước bày tỏ quan ngại rằng một phần lớn trong số 310.000 liều AstraZeneca mà họ nhận được sẽ bị lãng phí do tình trạng tiêm chủng chậm chạp, đây là vấn đề đáng lo vì số vaccine này sẽ hết hạn vào tháng 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine Covid-19: Nơi thiếu, nơi thừa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO