Đưa ra bài toán hóc búa “làm sao vừa chống dịch Covid-19, vừa ứng phó với căn bệnh sụt giảm kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tìm ra “liều vaccine “ đủ mạnh để đặc trị bệnh suy giảm kinh tế.
Trước đó, tại một hội nghị bàn các giải pháp chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus corona và “virus trì trệ”- không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
Du khách nước ngoài tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Hà Nội), ngày 29/2. Ảnh: Quang Vinh.
Virus trì trệ đáng sợ hơn corona
Sức công phá của dịch Covid-19 gây ra quá nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngành du lịch có lẽ là ngành chịu ảnh hưởng lớn với dự báo thiệt hại tới 5 tỷ USD, GDP năm nay có thể chỉ tăng 5,96%. Đó là trường hợp nếu dịch được khống chế trong quý II. Kịch bản còn lại nếu dịch khống chế được trong quý I, mức tăng GDP năm nay ở 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mục tiêu Chính phủ đưa ra.
Đưa ra kịch bản như vậy không chỉ để hình dung một cách khái quát kinh tế Việt Nam do chịu tác động từ dịch bệnh mà chính là để các Bộ, ngành, từng doanh nghiệp, từng người dân xác định phải có nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn để bù đắp cho những thiệt hại mà khách quan mang lại. Nói cách khác, nền kinh tế phải nâng cao “sức đề kháng”, nâng cao quốc lực, trong đó có giải pháp tìm cách mở rộng thị trường, nhất là thị trường khó tính như EU.
Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế, nó khiến tất cả các ngành có thể suy giảm, tuy nhiên, có một loại virus còn đáng sợ hơn virus corona chính là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do là bệnh dịch nên không hành động, tạo ra sức ì, là lực cản của sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thật vậy, sự trì trệ chẳng hề hiếm thấy, thậm chí bước chân ra phố được chiêm ngưỡng ngay công trình dở dang, phủ bạt rào tôn không hẹn ngày hoàn thành, ở nông thôn, nhiều nơi thiếu nước sạch nhưng người ta vẫn “nhẫn tâm” bỏ hoang công trình dẫn nước vài chục tỷ...
Và mấy năm nay, cái sự trì trệ mà dư luận hao tốn thời gian bàn luận nghe ngóng nhất chính là khối bê tông ngoằn ngoèo ở Thủ đô mang tên Cát Linh - Hà Đông; rồi đến tận 5 năm rồi mà những sai phạm của nhà 8B Lê Trực vẫn nằm nguyên đấy. Vĩ mô hơn là các trung tâm công nghệ cao xây vài thập kỷ chưa xong như Hòa Lạc; tuyến đường cao tốc độc đạo ở Miền Tây vẫn cứ chờ và chờ.
Sự trì trệ không chỉ nằm ở những công trình nghìn tỉ đội vốn, nằm đắp chiếu “trơ gan” cùng tuế nguyệt, mà sự trì trệ trong tư duy, trong tiềm thức còn đáng sợ hơn nhiều. Với công tác cán bộ chẳng hạn, dư luận vẫn cứ băn khoăn rằng chỉ có 30% cán bộ là làm được việc trong cơ quan hành chính nhà nước, số còn lại là sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Điều này đã khiến không một nguồn ngân sách nào có thể trả lương nổi cho đội ngũ quá cồng kềnh, chất lượng kém như vậy. Nhưng hỗi ôi, vài nhiệm kỳ chúng ta đề cập đến câu chuyện tinh giản biên chế, nhưng kết quả vẫn chưa được là bao. Cho nên, cần có những liều vắc xin đủ mạnh để loại bỏ virus của sự trì trệ này mới chặn đà suy giảm kinh tế, mới tăng sức mạnh nội lực của nền kinh tế được.
Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Hà Nội) đang đà phục hồi kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.
Vaccine nào chặn đà suy giảm kinh tế
Sáng 25/2, chủ trì phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia với cương vị Chủ tịch Hội đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, các nước có sự sụt giảm tăng trưởng, trong đó có các đối tác của Việt Nam. Theo dự báo mới đây, tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ giảm, không như dự báo trước đó. “Có loại vắc xin nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch COVID-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế?”- Thủ tướng đặt vấn đề. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là “bài toán hóc búa” trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là những đối tác quan trọng của Việt Nam, sụt giảm tăng trưởng.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã có thành công bước đầu rất quan trọng trong việc ngăn chặn dịch Covid-19, nhưng mục tiêu của Việt Nam không chỉ là một thắng lợi đơn, mà là muốn thắng lợi kép, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong khó khăn, phải vượt qua, quyết liệt, đồng bộ, phải cải cách mạnh mẽ, phải đồng tâm hiệp lực với niềm tin, sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên”.
Về giải pháp cụ thể chống sự suy giảm kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, cần kiểm soát lạm phát, không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nhất là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông Lê Minh Hưng trong tuần này, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Yêu cầu này nhằm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kì hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng gỡ khó cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Bộ này đã kiến nghị giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế...
Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng muốn có các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa nhằm loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Những giải pháp mang tính căn cơ như vậy, chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả tích cực, thực hiện tốt nhiệm vụ kép mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc:
Muốn vươn ra biển lớn thì phải vững ở thị trường nội địa
Kiểm soát dịch bệnh đã khó, nhưng giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh cũng khó khăn không kém. Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ ban ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã đồng loạt vào cuộc, nhưng các giải pháp bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế mới chỉ phát huy tác dụng bước đầu.
Giải pháp về dài hạn là phải rất coi trọng thị trường trong nước,đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào. Chúng ta ngày càng ngộ ra rằng muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa.
Với 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu bùng nổ, với một nền kinh tế đang lên, thị trường trong nước phải là điểm tựa, là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển quốc gia. Những diễn biến hiện nay cho thấy thị trường thế giới ngày càng trở nên bất định, khó lường. Chúng ta không thể không tính tới điều này trong một chiến lược bài bản hơn , thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này. Các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam “cần có thêm những xung lực mới... trong bối cảnh hiện nay.