Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa Covid-19. Đây được coi là sự kiện chấn động trong cuộc chiến chống Covid-19, đặc biệt trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Phát biểu tại một cuộc họp với Chính phủ, Tổng thống Putin tiết lộ: Con gái của ông đã được tiêm chủng loại vaccine này. Ban đầu, cô có bị sốt nhẹ nhưng đã khỏi rất nhanh. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa Covid-19”- ông Putin nói một cách rất tự tin.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cũng xác nhận vaccine của Trung tâm Nghiên cứu vi trùng học Gamaleya (của Nga) đã được đăng ký. Trước mắt, Nga sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho các nhân viên y tế trước rồi bắt đầu tiêm chủng đại trà dự kiến từ tháng 1/2021.
Tuy nhiên, giới khoa học vẫn tỏ ra hoài nghi về thành tựu này, vì rằng vaccine ngừa Covid-19 nếu đã được sớm công nhận chỉ sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người, thì trước đó chưa từng có tiền lệ. Họ cho rằng vaccine của Nga hiện vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với sự tham gia của hàng nghìn người để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả.
Dù vậy thì Bộ Y tế Liên bang Nga cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa Covid-19 Gam-Covid-Vac, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật, mang tên Viện sỹ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Bộ Y tế Liên bang Nga cho biết Dự án vaccine sẽ bước vào giai đoạn 3 từ ngày 12/8 và quá trình sản xuất công nghiệp dự kiến khởi động ngay từ tháng 9 năm nay.
Trong khi đó, theo Reuters, Hiệp hội Các tổ chức thử nghiệm lâm sàng (ACTO) đặt tại Moscow đã kêu gọi Bộ Y tế Nga hoãn phê duyệt cho đến khi thử nghiệm giai đoạn 3 thành công. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng cần đánh giá dữ liệu của Nga trước khi chấp nhận vaccine này. Phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, Người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga, tập trung vào chất lượng vaccine.
Còn theo ông Thomas Bollyky, Giám đốc Chương trình y tế toàn cầu của Tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), vaccine không được thử nghiệm đầy đủ có thể gây nhiều tai hại, từ ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe cho đến tạo cảm giác an toàn giả, hay ngược lại làm mất niềm tin vào vaccine. Việc cung cấp vaccine không an toàn cho các nhân viên y tế trên tiền tuyến chống dịch sẽ còn gây hại khủng khiếp hơn.
“Sẽ ra sao nếu vaccine giết chết họ hoặc khiến họ bị bệnh?”, TS Lawrence Gostin (Đại học Georgetown, Mỹ) cảnh báo.
Tuy nhiên, bỏ qua sự hoài nghi, do tính cấp bách của vấn đề nên hầu như ngay lập tức vaccine mới do Viện Gamaleya của Nga phát triển đã nhận được sự quan tâm rất lớn và đã nhận được các đơn đăng ký đặt mua hơn 1 tỷ liều từ 20 quốc gia. Tên chính thức của vaccine này là “Sputnik-V”- lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô (cũ) phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.
Người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine/năm tại 5 quốc gia, hướng tới việc tăng cường năng lực sản xuất hơn nữa.
Theo AFP, vaccine mới của Nga sử dụng một loại virus khác được điều chỉnh để mang các gene mã hóa phản ứng miễn dịch mà tế bào cần để chống virus corona chủng mới. Đây là công nghệ tương tự các loại vaccine đang được CanSino của Trung Quốc, hay AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh phát triển.
Theo thống kê của WHO, tính đến thời điểm này, tổng cộng có 165 vaccine ngừa Covid-19 đang được bào chế trên toàn thế giới. Trong số này, có 139 vaccine vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, trong khi 26 loại khác đang được thử nghiệm trên người ở nhiều giai đoạn khác nhau, với 6 loại bước sang giai đoạn 3 về đánh giá lâm sàng.
Dự án vaccine sẽ bước vào giai đoạn 3 từ ngày 12/8 và quá trình sản xuất công nghiệp dự kiến khởi động ngay từ tháng 9 năm nay. Trước mắt, Nga sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho các nhân viên y tế trước rồi bắt đầu tiêm chủng đại trà dự kiến từ tháng 1/2021. Bỏ qua sự hoài nghi, do tính cấp bách của vấn đề nên hầu như ngay lập tức vaccine mới do Viện Gamaleya của Nga phát triển đã nhận được sự quan tâm rất lớn và đã nhận được các đơn đăng ký đặt mua hơn 1 tỷ liều từ 20 quốc gia.