Vaccine vẫn nơi thừa, nơi thiếu

Hà Anh (tổng hợp) 03/06/2021 06:55

Từ giữa năm 2020, khi chưa có loại vaccine Covid-19 nào được chứng minh hiệu quả, nhiều nước trên thế giới bắt đầu đàm phán để đặt trước hàng chục triệu liều. Trong đó, Mỹ với sự quyết liệt lớn đã có được những hợp đồng mua vaccine với số lượng đáng mơ ước. Tuy nhiên, điều này cũng đang khiến Mỹ dư thừa vaccine và đau đầu khi chưa thể quyết định sẽ chia sẻ vaccine cho các nước khác như thế nào.

Vaccine Covid-19 đang là sự tìm kiếm của nhiều quốc gia.

Đề nghị từ châu Á

Sau lời hứa của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi giữa tháng 4 về việc Mỹ sẽ chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước khác vào cuối tháng 6 này, một số nước châu Á như Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và Sri Lanka hiện đang đề nghị được chia sẻ một phần trong số 80 triệu liều trên.

Ngoại trưởng Bangladesh A.K. Abdul Momen đã gửi thư tới người đồng cấp phía Mỹ là Antony Blinken đề nghị được hỗ trợ ngay khoảng 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và khoảng 10 đến 20 triệu liều nữa sau đó.

Bangladesh đang cần tiêm chủng liều thứ hai cho khoảng 1,6 triệu người và sẵn sàng mua nếu không xin được trợ giúp. Bangladesh, với dân số 165 triệu người, hiện đã nhận được 7 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tổng số 30 triệu liều mà quốc gia này đã nhất trí mua của Viện Huyết thanh Ấn Độ (Serum Institute of India), chưa kể 3,2 triệu liều Ấn Độ đã cam kết sẽ hỗ trợ.

Sri Lanka cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ 600.000 liều để quốc gia này có thể tiến hành tiêm chủng mũi 2 trong bối cảnh Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu vaccine để dẹp dịch trong nước.

Hiện quốc gia 21 triệu dân này mới tiêm chủng xong cho 7% người dân, theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Our Word in Data. Sri Lanka cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ số vaccine J&J hiện Mỹ đang thừa không sử dụng và nhận được thông tin từ phía Mỹ sẽ sớm cân nhắc.

Afghanistan cũng đề nghị Mỹ hỗ trợ vaccine trực tiếp hoặc thông qua chương trình COVAX. Hiện chương trình COVAX dự định phân bổ cho Afghanistan khoảng hơn 2,5 triệu liều vaccine, trong đó có 400.000 liều của Sinopharm của Trung Quốc và 500.000 liều của Ấn Độ.

Ngoài 80 triệu liều vaccine đã hứa, trước đó, hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Biden cũng đã tuyên bố tài trợ khoảng 2 tỷ USD cho chương trình Covax và sẽ chi tiếp 2 tỷ USD nữa cho chương trình này nếu như các nước khác cũng đảm bảo cam kết mà họ đã đưa ra.

Dịch bệnh đáng lo ngại ở Nam Mỹ

Trong khi các nước châu Á đang có nhiều lời đề nghị được chia sẻ vaccine như trên, thì tình hình dịch bệnh tại khu vực Nam Mỹ cũng đang có những diễn biến vô cùng phức tạp với các ca mắc mới và tử vong không ngừng gia tăng, điều này có thể khiến Mỹ thêm đau đầu trước các phương án chia sẻ vaccine.

Ngày 2/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về tình hình dịch Covid-19 tại Nam Mỹ, cảnh báo các đợt bùng phát dịch tại khu vực vốn chịu tác động nặng nề của đại dịch này đang diễn biến xấu đi.

Ông Michael Ryan - Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc WHO, lưu ý rằng trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới vào tuần trước thì có 8 nước tập trung ở châu Mỹ.

Theo ông Ryan, sự lây lan dịch bệnh tại Nam Mỹ đang căng thẳng, lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng trong khi hệ thống y tế quá tải, và những yếu tố này thể hiện ở tỷ lệ tử vong cao.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Peru ngày 1/6 công bố số ca tử vong do Covid-19 ở nước này là 180.764 ca, cao gấp đôi con số thống kê chính thức 69.342 ca trước đó, sau khi các chuyên gia phát hiện có nhiều trường hợp tử vong chưa được thống kê.

Như vậy, Peru trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 tính trung bình trên đầu người cao nhất thế giới. Trong khi đó, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do Covid-19, sau Mỹ.

Ông Ryan nêu rõ, tỷ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19 tại nhiều nước Nam Mỹ vẫn ở mức “cao đáng kể,” trong đó Paraguay là 37%, Argentina là 33% và Colombia là 30%.

Quan chức WHO nhấn mạnh, các nước trên thế giới cần phải phá vỡ chuỗi lây nhiễm, nỗ lực hơn nữa để kiềm chế sự lây lan của virus đồng thời đảm bảo việc tiếp cận vaccine công bằng.

Mỹ sẽ chuyển vaccine cho những đâu?

Có thể thấy rằng, đối với Tổng thống Joe Biden, vaccine dư thừa có thể đóng vai trò là “phần thưởng” cho các đối tác của Mỹ, nhưng cũng là công cụ cần thiết cho y tế toàn cầu, có khả năng cứu sống hàng triệu người và giúp các nước trở lại cuộc sống bình thường, kể cả bạn bè lẫn đối thủ của Mỹ.

Câu hỏi mà Tổng thống Mỹ đang phải cân nhắc là nên cung cấp bao nhiêu liều cho những bên đang cần vaccine nhất và bao nhiêu liều cho các đối tác của Mỹ. Câu trả lời dường như là chính quyền sẽ cung cấp phần lớn số vaccine thừa cho Covax, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước có thu nhập thấp hơn.

Mặc dù Mỹ chưa chốt tỷ lệ vaccine ủng hộ cho chương trình này, sự đóng góp của họ sẽ giúp ích rất lớn cho Covax khi chương trình đang bị chững lại vì đại dịch ở Ấn Độ và mới chỉ chia sẻ 76 triệu liều cho các nước nghèo.

Nhiều quốc gia đã đề nghị Mỹ chia sẻ vaccine, nhưng hiện chỉ Mexico và Canada đã nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều. Mỹ cũng công bố kế hoạch gửi vaccine cho Hàn Quốc để tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ nước này.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, kế hoạch chia sẻ vaccine của Mỹ vẫn trong giai đoạn chờ hoàn thiện. Nó là chủ đề của các cuộc tranh luận chính sách bên trong Nhà Trắng và các cơ quan liên bang, liên quan đến Covax, các nhà sản xuất và chuyên gia hậu cần.

Bà Samantha Power, lãnh đạo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho rằng Mỹ nhiều khả năng “chia sẻ 75% liều dư thừa thông qua Covax. 25% còn lại sẽ được dự trữ để có thể triển khai song phương”. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền cho biết, ông Biden chưa chốt kế hoạch và mọi thứ vẫn có thể thay đổi.

“Rõ ràng tình hình hiện giờ đầy thách thức vì rất nhiều quốc gia đang rất cần vaccine” - bà Power nói, đồng thời gọi quyết định về địa chỉ Mỹ sẽ gửi vaccine là “câu hỏi cấp bách”.

Giới quan sát cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Biden cam kết ủng hộ 4 tỷ USD cho Covax để giúp họ mua và phân phối vaccine tới hơn 90 quốc gia như tổ chức này cam kết, được xem là một cách làm đúng đắn và công bằng nhất. Cách làm này cũng có thể giúp Mỹ tránh được điều tiếng không công bằng khi không phải trực tiếp phân chia nguồn vaccine có hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine vẫn nơi thừa, nơi thiếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO