Xã hội

Vai trò của dự án đê biển Tây trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguyên Du 06/05/2025 09:46

Dự án xây dựng đê biển Tây và kè phòng, chống sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau được khởi động tháng cuối năm 2024, cho thấy địa phương đang có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống sạt lở bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm qua, vùng ven biển Cà Mau liên tục hứng chịu tình trạng xói lở nghiêm trọng. Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2011-2023, sạt lở bờ biển đã làm mất khoảng 6.200 ha đất và rừng phòng hộ. Nhiều công trình như cống, đê biển, đường giao thông, bờ bao... bị hư hỏng, nhiều diện tích rừng ngập mặn bị mất, nhiều ao đầm tôm bị phá hoại. Sạt lở cũng đe dọa đến các khu du lịch của địa phương, làm nhiều nhà dân bị sập, hàng nghìn hộ dân phải di dời đi nơi khác...

Ảnh 1
Sạt lở bờ biển lấn sâu vào rừng phòng hộ nhiều nơi ở Cà Mau. Ảnh: Nguyên Du

Người dân địa phương cho biết, những năm qua tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến tình trạng sạt lở, xói mòn xảy ra và xâm nhập sâu vào đất liền, tác động trực tiếp đến đời sống và sinh kế của nhiều hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Ngôn cư ngụ ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân cho biết: Hằng năm cứ mỗi lần mưa bão, tình trạng xâm thực lại diễn ra khiến bờ biển càng tiến sát vào khu dân cư. Không những vậy mỗi lần nước biển dâng còn tràn vào vuông tôm của nhiều hộ dân khiến tôm nuôi thiệt hại không nhỏ. “Diện tích đất mặt tiền của một số hộ dân hầu như đã bị xói mòn gần hết. Với tình trạng xâm thực hiện tại, không bao lâu nữa bờ biển sẽ tiến sát vào nhà dân", ông Ngôn nói.

205_3451.00_00_39_19.still003.jpg
Hàng năm, tỉnh Cà Mau phải đầu tư một số tiền lớn để xây dựng kè củng cố và bảo vệ bờ biển.

Không riêng gì trường hợp ông Ngôn, ở xã Nguyễn Việt Khái, nhiều hộ dân phải chật vật chống chọi lại những tác động của tình trạng sạt lở, xói mòn đất, nước biển dâng. Ông Lê Thanh Tự ngụ xã Nguyễn Việt Khái cho hay, dù người dân đã tìm mọi cách bảo vệ bờ biển, nhưng vẫn không chống chịu nổi sóng lớn liên tục uy hiếp. “Biển cứ dần ăn sâu vào đất liền khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Nếu không có biện pháp kịp thời và lâu dài, chuyện "biển nuốt làng" là tất yếu. Nghe dự án đê biển sắp làm, bà con ai cũng mong chờ từng ngày, nhà cửa được bảo vệ, nuôi tôm không còn lo cảnh thiệt hại”, ông Tự chia sẻ.

Dự án đê biển Tây “lá chắn xanh”, ứng phó với biến đổi khí hậu

Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Ðôi Vàm đến Kinh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển Sông Ðốc đến cửa biển Bảy Háp được tỉnh Cà Mau phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) thông qua Quỹ Quản lý nước và Tài nguyên thiên nhiên (WARM) triển khai. Đây không chỉ là giải pháp ứng phó với xói lở và nước biển dâng, mà còn mở ra một hướng đi bền vững kết hợp giữa công trình hạ tầng và giải pháp thuận thiên, phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ sinh kế và nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng ven biển

481_1277.00_03_07_16.still003.jpg
Tuyến kè chống sạt lở đê Biển Tây tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nguyên Du

Với tổng mức đầu tư khoảng 31,9 triệu Euro, dự án là sự kết hợp đồng bộ giữa các giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ AFD trị giá 19,17 triệu euro cho hạ tầng; 3,76 triệu Euro viện trợ không hoàn lại từ EU thông qua Quỹ WARM để tăng cường năng lực của chính quyền địa phương quản lý vùng bờ biển, còn lại là 8,99 triệu Euro từ nguồn vốn đối ứng từ tỉnh.

Dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn từ 2024 – 2028. Xây dựng tuyến đê biển Tây dài 19 km từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm (huyện Phú Tân), không chỉ bảo vệ bờ biển mà còn hình thành tuyến giao thông ven biển, kết nối vùng, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ cho cả khu vực. Thi công kè phá sóng dọc bờ biển dài 11 km từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp (thuộc huyện Trần Văn Thời và huyện Phú Tân), góp phần ngăn chặn sóng lớn và triều cường, bảo vệ vùng đất sản xuất và đời sống người dân. Hướng đến phát triển mới 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển Tây, đóng vai trò như “lá chắn xanh”, bảo vệ tuyến đê, chống xâm nhập mặn và tạo sinh kế mới từ rừng – yếu tố cốt lõi trong phát triển bền vững.

205_3451.00_00_12_18.still002.jpg
Thi công kè phá sóng góp phần ngăn chặn sóng lớn và triều cường, bảo vệ vùng đất sản xuất và đời sống người dân. Ảnh: Nguyên Du

Bên cạnh đó, dự án còn đưa ra các giải pháp phi công trình bao gồm tư vấn quốc tế hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và thúc đẩy cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ biển (ICZM): Xây dựng chiến lược quản lý vùng bờ biển tích hợp cho cả bờ biển Đông, bờ biển Tây tỉnh Cà Mau và kế hoạch hành động để bảo vệ các xã ven biển 2 huyện Phú Tân và Trần Văn Thời. Đa dạng hóa các hoạt động sinh kế nhằm cải thiện thu nhập cho cộng đồng. Giảm phụ thuộc vào đánh bắt gần bờ, góp phần bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Dự án này hỗ trợ đa dạng hóa các hoạt động sinh kế nhằm cải thiện thu nhập cho người dân, giảm phụ thuộc vào đánh bắt gần bờ. Về tổng thể, dự án sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh một cách tích cực và đóng góp vào sự phát triển chung bền vững của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, khi dự án này hoàn thành sẽ tạo trục giao thông ven biển liên hoàn trên mặt đê biển từ Tiểu Dừa (U Minh) đến xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân), góp phần phát triển kinh tế biển, đặc biệt là tại các đô thị ven biển, hiện thực hoá chủ trương tiến ra biển, làm giàu từ biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của dự án đê biển Tây trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu