“Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng, lãng phí xảy ra trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Chống lãng phí phải đến nơi, đến chốn
Đưa ra quan điểm về việc chống lãng phí, ông Hồ Xuân Hùng - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, có những người vô tình mà tạo ra lãng phí nhưng cũng có người quá non kém trong công tác quy hoạch mà tạo ra lãng phí. Rồi có cả những người tham lam... Chúng ta phải làm rõ những nguyên nhân đó, phân loại được nguyên nhân đó thì mới có những giải pháp cụ thể. Nhưng giải pháp chung nhất vẫn phải là minh bạch và công bằng.
Nếu trong quá trình đầu tư, phát triển, chúng ta công khai, minh bạch thì nhất định sẽ hạn chế được lãng phí. Vai trò của MTTQ ở đây là rất quan trọng. Nếu cơ sở sai thì chúng ta phải sửa những cái sai đó bằng việc phản biện, tránh gây lãng phí. MTTQ phải rất nghiêm túc để nhìn nhận lại khi tham gia những việc đó.
Để các hoạt động chống lãng phí được hiệu quả, phải có tầm nhìn xa. Vì nếu đầu tư dài hạn, có thể thời gian đầu cảm thấy có lãng phí nhưng về lâu dài lại không lãng phí, cho nên phải đánh giá cho đúng. Nhưng ngược lại, có những dự án hạn hẹp, mới làm mấy năm đã phải sửa, thậm chí đập đi xây mới gây ra những thất thoát, lãng phí lớn.
Vì vậy, chúng ta phải có tầm nhìn xem việc đó có thực sự lãng phí không. Phải có giám sát trong quy hoạch, trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Để làm được điều đó, Quốc hội phải tăng cường vai trò giám sát, phải gắn trách nhiệm của Mặt trận với Quốc hội; thậm chí MTTQ phải đi sớm hơn một bước để giúp đoàn giám sát của Quốc hội có thể phát hiện ra những vấn đề, tránh gây ra lãng phí lâu dài trong tương lai.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lại cho rằng, để hạn chế và đi đến loại trừ lãng phí hiện nay đang tồn tại, điều quan trọng nhất là cấp ủy phải lắng nghe, phải giải quyết các ý kiến của nhân dân nêu lên. Đặc biệt, phải có những giám sát chặt chẽ đối với những đồng chí có chức, có quyền phụ trách về lĩnh vực đó.
Muốn giải quyết tốt vấn đề lãng phí, phải xem xét lại toàn bộ chính sách mà chúng ta đã nêu ra và điều chỉnh lại làm sao để những chính sách đó phù hợp với thực tế hiện nay, tránh tình trạng thực tiễn với chính sách tách rời nhau như chúng ta đã thấy hiện nay.
Đối với Mặt trận, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã được quy định trong Điều lệ của Mặt trận và trong Luật của Mặt trận thì điều quan trọng nhất là cán bộ chủ chốt Mặt trận các cấp phải dám nói đúng, nói trúng thực trạng hiện nay về vấn đề lãng phí, kiến nghị cấp ủy có những biện pháp mạnh mẽ để chỉ đạo các ngành, các cấp cho thật tốt.
Trong đó, Mặt trận phải thực hiện vai trò nòng cốt chính trị mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu ra. “Cán bộ Mặt trận ở các cấp, đặc biệt cấp cơ sở phải thể hiện bản lĩnh chính trị, vì mình là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, nói lên ý kiến chung của các tầng lớp nhân dân để cấp ủy Đảng nơi đó xem xét, giải quyết”, ông Nguyễn Túc chia sẻ.
Vai trò người đứng đầu
Còn theo TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực sẽ là lực cản đối với đồng thuận xã hội. Chúng ta đã có quá nhiều giải pháp nhưng đến bây giờ vẫn chưa có hiệu quả. Giải pháp quan trọng bậc nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Người đứng đầu mà để xảy ra tham nhũng rồi để xảy ra lãng phí thì phải bị xử lý, đó mới là giải pháp quan trọng nhất. Việc đưa ra các giải pháp để chống tham nhũng đã nói mãi rồi nhưng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Chúng ta phải biết phát huy dân chủ, phải công khai, minh bạch thì lãng phí mới yên.
Để chống lãng phí thì vai trò của Mặt trận rất quan trọng bởi vì Mặt trận là tai mắt của nhân dân. Chúng ta vẫn nói nhân dân làm chủ, nhưng nếu thông qua tổ chức Mặt trận thì sẽ đoàn kết rộng rãi toàn dân.
Vì vậy, Mặt trận phải tăng cường vai trò giám sát của mình, chủ động đòi hỏi thông tin minh bạch và công khai. Đôi khi người ta không muốn công khai mà muốn dấu diếm để làm rồi sinh lãng phí cho nên vai trò của Mặt trận phải nâng cao hơn nữa, phải chủ động hơn nữa.
Chủ động trong giám sát, chủ động đòi hỏi thông tin, đòi hỏi bắt buộc phải công khai, minh bạch, giải trình những chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể của từng địa phương thì mới có thể giảm được tham nhũng, mới có thể chống được lãng phí.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả cao cần phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Mặt trận các cấp cần căn cứ vào những bài báo phản ánh về hiện tượng tham nhũng, lãng phí để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số vụ việc cụ thể để yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết.
“Có những vụ việc tồn tại lâu chưa thể giải quyết, nhưng khi báo chí vào cuộc thì vụ việc đã có tác động tới cấp ủy, chính quyền cùng cấp và đã có hướng giải quyết hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Các chương trình giám sát, phản biện của Mặt trận đều phải hướng về nhân dân. Mặt trận phải là nơi vận động, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí và là địa chỉ tin cậy cho người dân phản ánh các hiện tượng tham nhũng, lãng phí xảy ra trên địa bàn”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.