Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ em nước ta đang đối mặt với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao (19,6%) và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền.
Trong đó, thiếu vi chất dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân chính gây ra vấn nạn suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em Việt Nam. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 19,6% và 58,0% là tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi.
BS Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đơn cử như thiếu vitamin A sẽ khiến trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng đưa đến khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm dễ nổi cáu. Đặc biệt, một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy thiếu kẽm làm trẻ dễ bị mắc bệnh tự kỷ.
Ngoài ra, thiếu canxi có thể dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ nhỏ và loãng xương ở người lớn. Bệnh còi xương ở trẻ em chủ yếu là do thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Còn nếu thiếu i-ốt, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay, chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Trẻ bị thiếu i-ốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, học kém, thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn.
Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã cho trẻ uống bổ sung không đúng và nếu thừa cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đưa thông điệp, mỗi người, mỗi gia đình hãy thực hiện bữa ăn hàng ngày đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Ưu tiên lựa chọn, sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo.
Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A một năm 2 lần theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường. Trẻ từ 24 – 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần một năm; Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.
Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Tiếp xúc ánh nắng hàng ngày, đúng cách để dự phòng thiếu vitamin D. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Hàng năm, thông qua hai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em trong độ tuổi trên toàn quốc, tỷ lệ trẻ em uống vitamin A thường xuyên được duy trì trên 98% (tương đương với hơn 6 triệu trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi). Từ năm 1993 đến nay, hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ em đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phường trong toàn quốc. Do đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia lưu ý, ngày 1 -2/6/2024, phụ huynh nên cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.