Tại hội nghị tổng kết năm ASEAN 2020 mà Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm vóc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện một cách toàn diện, rõ nét. Dấu ấn của Việt Nam ghi đậm nét trong quá trình phát triển hơn 50 năm của ASEAN.
1. Việc chủ trì tổ chức suôn sẻ hàng loạt hội nghị quan trọng theo hình thức trực tuyến đã cho thấy kết quả thành công trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, là minh chứng cho năng lực và khả năng sẵn sàng của Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số. Sau 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực, trở thành một chỗ dựa vững chắc và tin cậy.
Nhìn lại một năm 2020 với nhiều biến cố mới thấy, những đánh giá trên của Thủ tướng không phải là một đánh giá quá lời. Bởi, thế giới mở màn năm 2020 bằng sự “ra mắt” của đại dịch Covid-19. Bao kế hoạch, bao dự định cho tương lai của thế giới và khu vực vì thế trở nên mong manh, dễ vỡ; nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng lao đao vì đại dịch. Chống chọi, khắc chế đại dịch đã khó mà tìm đường phát triển còn khó hơn gấp bội.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN vững bước trên con đường “gắn kết và thích ứng. Dẫn lại nhận định của Tạp chí Thời đại (Time) của Mỹ (tháng 12/2020) cho rằng năm 2020 là một trong những năm tồi tệ nhất với tất cả người dân đang sống trên Trái đất này, Thủ tướng cho rằng với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã mạnh mẽ vượt qua, thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên hợp tác đề ra cho năm 2020, ngày càng trở nên đoàn kết, gắn kết, với khả năng tự cường và thích ứng cao hơn.
Trong đó, công cuộc xây dựng Cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều tiến triển cụ thể, điển hình là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hợp tác an sinh, xã hội tiếp tục được bảo đảm, quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng cho rằng, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thực sự linh hoạt và chủ động, thích ứng với các biến động của thời cuộc. Vai trò, uy tín quốc tế của ASEAN ngày càng được coi trọng, nâng cao; là minh chứng sống động cho vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết, hợp tác trước những cơ hội, thách thức, đặc biệt là sức sống, giá trị của hợp tác và cơ chế đa phương.
Đánh giá về vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, hãng tin Sputnik (Nga) nhấn mạnh điểm đặc sắc nhất của Năm ASEAN 2020 là các hội nghị trực tuyến. “Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng không gian mạng để tổ chức các hội nghị trong kế hoạch của Năm ASEAN theo hình thức trực tuyến và được tất cả các nước ASEAN cũng như đối tác của ASEAN hưởng ứng. Nó chứng minh đại dịch Covid-19 không thể phá vỡ sự gắn kết của toàn khối ASEAN và cũng không có một thế lực bên ngoài nào phá vỡ được khối gắn kết đó.”- hãng tin này nhận xét.
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN theo cách chủ động nhất, trách nhiệm nhất, sáng tạo nhất, bản lĩnh nhất và hiệu quả nhất. Trong đó, Việt Nam đã xác định đúng và trúng chủ đề, định hướng, ưu tiên và các sáng kiến, nhiệm vụ cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, tạo tiền đề vững chắc cho các bước triển khai tiếp theo.
Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Việt Nam cũng rất linh hoạt, chủ động thích ứng với “tình trạng bình thường mới”, chuyển đổi phương thức tổ chức hội nghị, hoạt động của ASEAN từ trực tiếp sang trực tuyến, tổ chức ký trực tuyến nhiều văn kiện quan trọng, tiêu biểu là ký kết Hiệp định RCEP. Việt Nam cũng thể hiện bản lĩnh và sự khôn khéo trong dung hòa những quan điểm, lợi ích khác nhau, nhất là giữa các nước lớn, qua đó bảo đảm các hội nghị diễn ra suôn sẻ, thành công. Vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đã được phát huy tốt, với việc gắn kết, lồng ghép các ưu tiên, đề xuất sáng kiến trong đó có đề cao bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ.
2. Như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề cập, năm 2020 cũng là năm mà chúng ta đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, ngay từ ngày đầu, tháng đầu khi nhận lãnh trách nhiệm này.
Đây là lần thứ hai kể từ khi gia nhập LHQ, Việt Nam giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và cũng giống như lần trước chúng ta đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Nhưng, với lần này, không chỉ làm tròn vai, Việt Nam còn thể hiện sự chủ động, tích cực đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Đây là điểm nổi bật đáng chú ý của chúng ta trong năm 2020 này- một quốc gia nhận được số phiếu gần như tuyệt đối cho vai trò Ủy viên không thường trực trong tổ chức quốc tế quan trọng nhất trên thế giới.
Khi thế giới đang đi nốt những ngày cuối cùng của năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và ngày 7/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” vào ngày 27/12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của ĐHĐ LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua tại ĐHĐ LHQ.
Đánh giá về sự kiện này, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ cho rằng: LHQ đã thông qua nhiều nghị quyết liên quan tới các ngày về Y tế dự phòng và bảo đảm sức khỏe Cộng đồng nhưng đây là Nghị quyết đầu tiên về Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh, tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng, các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế về việc thường xuyên phòng bệnh, thường xuyên phòng dịch, đồng thời tăng cường năng lực để khi dịch bệnh xảy ra phải có đủ năng lực để đối phó kịp thời và đầy đủ với dịch bệnh đó và dập tắt nó nhanh chóng. Đồng thời, nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và giải pháp đa phương ở cả 4 cấp độ: cá nhân, cộng đồng, quốc gia, và quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh. Chính vì vậy, nghị quyết có nghĩa vô cùng quan trọng.
“Còn đối với riêng Việt Nam, đây là lần đầu tiên đưa ra sáng kiến, Việt Nam chủ trì xây dựng dự thảo, chủ trì quá trình đàm phán dự thảo và vận động để đưa ra ĐHĐ thông qua với số nước đồng bảo trợ rất cao, hơn 100 nước và được thông qua bằng hình thức đồng thuận cho nên sự kiện này có ý nghĩa rất lớn”- Đại sứ cho biết.
Việc thế giới thông qua Nghị quyết do Việt Nam khởi xướng, soạn thảo và đệ trình cho thấy: Thế giới đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 của chúng ta và cũng đồng thời cho thấy: Thế giới giờ đây đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên thế giới; vì thế, thế giới tin tưởng vào Việt Nam. Năm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã dần đi đến chặng cuối với nhiều thành công.
3. Thành công của Việt Nam trong vai trò kép ở năm 2020 chính nhờ sự chỉ đạo tổng thể, thống nhất và theo dõi sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ với các hoạt động đối ngoại quan trọng. Chúng ta đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp và các thành phần xã hội liên quan để cùng đóng góp cho thành công chung.
Chúng ta cũng đã phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam và “trường phái ngoại giao” Hồ Chí Minh, luôn kiên trì, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song hết sức linh hoạt về sách lược - “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn tìm cách biến “nguy” thành “cơ” thông qua cách tiếp cận chủ động, bản lĩnh và cách làm sáng tạo, cùng với sự chân thành, chính trực, luôn vì lợi ích và trách nhiệm chung.
Thành công của đối ngoại Việt Nam 2020 thực sự đã góp phần triển khai một cách hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam; giúp Việt Nam tạo thế đứng vững chắc trong ASEAN và trong khu vực cũng như trên thế giới; qua đó tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có thêm sự ủng hộ, nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.