Vai trò Thừa phát lại

Kiên Long 10/11/2015 09:46

Thừa phát lại- một cách xã hội hóa hoạt động tư pháp, đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trước đây tại Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, việc áp dụng, phát huy hiệu quả của Thừa phát lại tại nước ta vẫn đang trong quá trình thí điểm. Quốc hội kỳ này tiếp tục bàn thảo để tiến tới xây dựng hoàn chỉnh các quy định của pháp luật, luật hóa vấn đề này. Thực tiễn, cách làm của Thừa phát lại cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện, để phát huy tốt hiệu quả của Thừa phát lại đối

Lâu nay, có rất nhiều người, kể cả các cán bộ có trách nhiệm cũng chưa hiểu rõ về cái tên Thừa phát lại (TPL). Sự thực về những công việc của TPL đang làm cũng chưa thực sự phát huy tác dụng, còn chồng chéo với các lĩnh vực khác, xuất phát từ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là những khó khăn chung của lĩnh vực này, phát sinh ra những bất cập, càng khiến cho một chế định, một cách triển khai, thực hiện, chưa thực sự phát huy được tác dụng.

Ngày 2/6/2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2010. Nội dung hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã chỉ rõ: Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên), trước mắt, có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo.

Ngày 24/7/2009, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và thực hiện thí điểm tại một số tỉnh và thành phố.

Ngày 23/11/2012, Quốc hội Khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại. Ngày 18-10-2013,Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP tiếp tục quy định rõ về TPL, Văn phòng TPL, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của TPL...

Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP đã quy định: “Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan”. Điều 3 cũng quy định rõ về công việc TPL được làm, đó là: “1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự; 2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; 3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; 4. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án”.

Cho đến nay, sau hai lần thí điểm triển khai TPL, từ kết quả thực hiện, như UBTV Quốc hội đã cho ý kiến, cần chấm dứt thí điểm, tùy từng địa phương để cho thành lập văn phòng TPL cho phù hợp; cần ban hành Nghị quyết về TPL với những nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục nhất định. Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết để làm cơ sở cho ai đủ điều kiện như nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ thì được thực hiện hoạt động TPL...

Quy trình là vậy. TPL là để phục vụ cho hoạt động tư pháp, phục vụ dân. Tuy nhiên trước mắt rất cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về TPL, hỗ trợ giúp cho TPL phát triển, hoạt động hiệu quả. Ngay với tên gọi: Thừa phát lại, nhiều ý kiến cho rằng cũng nên sửa cho dễ hiểu. Với nghĩa Hán-Việt: Thừa- làm theo, thừa hành, thừa lệnh; Phát: chuyển đi; Lại: nhân viên giúp việc...nhưng nếu với một tên tiếng Việt cho dễ hiểu cũng nên làm. Thời thuộc Pháp, TPL làm các công việc như mõ tòa, tống đạt, truyền lệnh, phát mãi tài sản, thì với những quy định ngày nay, TPL còn được lập vi bằng, được xác minh điều kiện thi hành án, thậm chí tổ chức thi hành các bản án theo yêu cầu của đương sự, cũng đã là một sự mở mang, coi trọng hoạt động này.

Dù mới là thí điểm, dù không ít người dân chưa hiểu TPL là gì, thậm chí có trường hợp nhân viên của văn phòng TPL còn bị cán bộ chính quyền tạm giữ ở trụ sở để xác minh, vì e rằng lừa đảo, nhưng với con số, như Bộ Tư pháp cho biết, tính đến 31/7/2015, các văn phòng TPL đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc đạt doanh thu 107 tỷ 522 triệu 100 ngàn đồng, thì đây cũng là con số đáng được ghi nhận.

Số doanh thu cả hai loại công việc xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án thu 7 tỷ đồng, chỉ chiếm 9,28% tổng doanh thu cũng là phản ánh một thực tế. Thực ra tống đạt, truyền lệnh, lập vi bằng, những công việc như trước kia TPL vẫn làm, dù có đôi chút còn khó khăn, nhưng một công việc truyền thống của TPL đã được các văn phòng TPL thực hiện thuận lợi. Cái khó khăn, chính là việc xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án.

Với việc xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án, công việc đòi hỏi phái có tính áp chế, quyền lực, ngay đến cơ quan thi hành án nhiều khi cũng bó tay, thì đương nhiên đã là cái khó cho Văn phòng TPL. Tuy nhiên, nhiều khi cái khó của thi hành án lại là cái dễ của TPL. Khi cán bộ TPL biết cách hòa giải, thuyết phục, công tâm phân xử có tình, có lý, đặc biệt không có chuyện làm khó dễ, vòi vĩnh, tiêu cực thì người dân sẽ phải đến tìm, sẽ nhờ TPL giúp cho quyền lợi của mình.

Cũng trên tinh thần phục vụ dân là chính này, có thể TPL sẽ giúp cho công việc của lĩnh vực tư pháp trôi chảy hơn, giảm tải cho công tác thi hành án ách tắc lâu nay, một phần làm bớt đi những cái phiền hà, nhiêu khê của các cửa quan. Tuy nhiên cũng cần có thêm các cơ chế để hỗ trợ cho các văn phòng TPL hoạt động thuận lợi hơn.

Một chế định mới nhưng không mới, cũ nhưng lại đang trong giai đoạn thử nghiệm, để bắt đầu một hành trình mới. Tuy nhiên, cái gì dù cũ, dù mới, nhưng nếu với tinh thần hoạt động tất cả vì dân, vì một nền tư pháp lành mạnh, Nhà nước pháp quyền, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh thì ban đầu dù có khó khăn, dù chưa hiểu, nhưng rồi nó sẽ phát triển, được người dân và xã hội hoan nghênh, đón nhận.

Bộ Tư pháp cho biết, tính đến 31/7/2015, các văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc đạt doanh thu 107 tỷ 522 triệu 100 ngàn đồng, thì đây cũng là con số đáng được ghi nhận. Số doanh thu cả hai loại công việc xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án thu 7 tỷ đồng, chỉ chiếm 9,28% tổng doanh thu cũng là phản ánh một thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò Thừa phát lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO