Trái ngược với những lo lắng vì văn học trẻ hiện nay - mà chủ lực là các tác giả trong lứa tuổi 9X - chưa có được tác phẩm nổi bật về chất lượng, là những niềm tin và sự lạc quan về dòng chảy sáng tác âm thầm, bền bỉ cùng với một số tác giả đang được kỳ vọng từ bạn viết và giới chuyên môn.
Khi Phạm Phú Uyên Châu (Meggie Phạm, sinh năm 1991), có mặt trong danh sách Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, Tuần báo Văn nghệ TPHCM đã viết: “Thế hệ viết văn 9X đã có mặt trong đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, từ cuộc thi có uy tín Văn học Tuổi 20 do NXB Trẻ tổ chức đã thu hút đông đảo tác giả trẻ tham gia, những cái tên đạt giải được nhắc tới cùng với tác phẩm của mình đã minh chứng về việc đang xuất hiện thế hệ sáng tác mới, với những tư duy mới, nền tảng giáo dục vững vàng hơn, quan niệm về con đường văn chương rõ ràng, mạch lạc và thực tế .
Tại Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX 2016, nhà văn Nguyễn Bình Phương -Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng: “Khó khăn thứ nhất của văn trẻ hiện nay là: sự vênh nhau giữa số lượng với chất lượng, giữa đa dạng với độc đáo. Rất nhiều tác giả, tác phẩm xuất hiện rầm rộ, nhưng ít tác giả, tác phẩm đặc sắc. Văn trẻ đã đồng hành cùng dân tộc qua các biến cố lớn, đã sôi nổi, đã nhiệt tình, nhưng đa phần mới chỉ dừng ở đấy. Trong khi đó thực tế đang đặt ra vô số vấn đề về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa, thậm chí là về cả lý tưởng. Hơn bao giờ hết, xã hội cần những tác phẩm đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo, cần cả khoảng yên bình, sâu lắng để tâm hồn được tĩnh lại. Vậy mà thật hiếm tác phẩm văn học đủ sức quyến rũ và độ tin cậy để độc giả có thể bấu víu vào đó. Khó khăn thứ hai: do sống giữa thời đại công nghệ thông tin với một thế giới phẳng, tương tác trực tiếp cho nên nhiều nhà văn mất dần khả năng ẩn nhẫn, khuất lấp để suy tư”…
Còn nhà văn sinh năm 1991 Đỗ Nhật Phi lại nêu quan điểm: “Các tác phẩm “được đón nhận nồng nhiệt” thì đương nhiên thành công về số lượng phát hành rồi nhé, còn “chất lượng”, ồ, họ có chuẩn chất lượng của riêng họ đấy chứ. Cách đây một vài năm, có lẽ tôi sẽ nhiệt tình trả lời với 4 đề mục và 5 gạch đầu dòng kèm 1 phụ chú chẳng hạn. Nhưng giờ thì tôi nghĩ là mình cũng không phải nhà nghiên cứu, càng không phải là nhà quản lí, cũng không có lí do để mà bình luận nhiều. Có chăng là… trước khi đòi hỏi một nền văn học, bao gồm cả hai thành tố chính của nó là tác giả và độc giả, đi lên tới một tầm nào đó, chúng ta cần phải nhìn lại tâm thức của xã hội đang bao chứa nền văn học ấy nữa. Việc này là quá tầm của những người sáng tác cũng như những nhà làm sách. Văn chương là lịch sử duy tâm, còn xã hội đang nhìn nhận và suy nghĩ như thế nào thì… lên Facebook cho lẹ”.
Để nhìn trực diện toàn cảnh về văn chương trẻ Việt Nam hiện nay mà chủ lực là các tác giả trong lứa tuổi 9X, PV Tinh hoa Việt đã mời và có cuộc đối thoại với hai đại diện tiêu biểu: nhà phê bình Mai Anh Tuấn và nhà văn Đỗ Nhật Phi.