Tinh hoa Việt

Văn chương vẫn là một trò chơi phong lưu bậc nhất

NHẬT ĐĂNG 09/12/2023 16:48

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đi xa (ông mất ngày 20/3/2021), nhưng người đời sẽ còn nhắc về ông, như nhắc về một người tài của văn chương Việt Nam thế kỷ 20.

Từ khi Nguyễn Huy Thiệp còn sống, người ta đã phong ông là “vua truyện ngắn”. Bản thân nhà văn cũng ý thức được những tác phẩm của mình, văn chương của mình, và vị trí của mình trong dòng chảy văn chương Việt Nam. Là tôi đoán vậy. Và Nguyễn Huy Thiệp cũng có cái kiêu bạc của riêng ông.

Mấy hôm nay người ta lại nhắc nhiều đến ông. Bởi gia đình nhà văn phối hợp ra mắt tập di cảo “Anh hùng còn chi…”.

Tên tập di cảo này được lấy từ đoạn thơ trong truyện “Chảy đi sông ơi” của chính nhà văn: “… Rồi sông đãi hết/Anh hùng còn chi”. Sách gồm 3 phần. Phần 1 giới thiệu những bài thơ chưa công bố của tác giả sáng tác lúc 27 tuổi và những vần thơ được nhà văn viết sau khi lâm bệnh nặng. Phần này cũng giới thiệu 3 truyện ngắn ít được biết đến là “Cô My”, “Vết trượt”, “Những bài hát”; hai kịch bản phim do chính ông viết là “Tướng về hưu” (hoàn thành và được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi sử dụng làm thành phim cùng tên năm 1988) và “Không còn vua”, viết xong năm 2002.

Ngoài ra, còn có những bài tiểu luận, tạp văn phần lớn lần đầu được in của Nguyễn Huy Thiệp để bạn đọc hiểu thêm những suy tư trăn trở của nhà văn về cuộc sống và văn chương.

Phần 2 là những ký họa trên gốm, gồm các ký họa chân dung người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ và tự họa như: Puskin, Trịnh Công Sơn, Tô Hoài, Lê Lựu…; các ký họa về tác giả, tác phẩm và sự kiện văn chương…

Và phần 3 của cuốn sách gồm những bức ảnh chụp nhà văn tại những dấu mốc quan trọng trong đời, những sự kiện văn chương ông tham dự và gặp gỡ.

img_3455(1).jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Cuốn sách có lẽ không làm dày lên đời văn của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng sẽ giúp những người yêu mến và muốn tìm hiểu tác giả của những “Vàng lửa”, “Tướng về hưu”, “Chảy đi sông ơi”… có thêm thông tin, tư liệu…

Bởi để hiểu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, không chỉ cần đọc kỹ những truyện ngắn của ông, đọc kỹ tiểu thuyết và kịch của ông, mà còn cần đọc kỹ những bài tiểu luận, những trang viết lẻ, và những phát biểu của ông trên nhiều diễn đàn…

Ở đó, chứa đựng những suy nghĩ, tâm tư…

Ở đó, ông tỏ bày nỗi lòng của một người viết…

* Dấu hiệu nhận biết đầu tiên của “đạo” là nụ cười, sau đó là những biểu hiện của tình yêu thương với lòng chẳng nỡ, tính nhân văn…

* Văn học thật sự luôn hướng về chân - thiện - mỹ, luôn giữ gìn được bản sắc dân tộc và tìm đến sự hòa nhập trong thế giới văn minh.

* Tôi không hiểu tại sao xã hội lại đi đòi hỏi nhà văn nhiều sứ mệnh lớn lao đến nỗi trừ phi phải thế nào đấy thì mới tải nổi, chứ nếu là người bình thường thì tôi chắc không sao chịu được.

* Mỗi người chỉ có một số kiếp, một cõi sống và điều đó làm cho lòng ta run lên vì căm giận. Trong tác phẩm của mình, những nhà văn giỏi bao giờ cũng có một chút muối rắc đâu đó trên từng trang viết. Muối xát lòng người đọc một thì xát lòng người viết ra nó mười lần. Văn học ở ta rất ít muối.

* Tôi không tin những nhà văn giỏi không biết sống một cách ráo riết. Chúng ta chẳng có thì giờ và sức lực để chờ đợi lâu.

Chúng ta đi qua những nền văn minh

Những bài hát sẽ chết

Và những nền văn minh sẽ chết theo

Bởi những bài hát sẽ chết.

Sẽ chẳng có một tác phẩm văn học nào giá trị có thể kéo dài cuộc đời thực của người viết ra nó. Đây cũng là điều hết sức chua xót. Thế giới nội tâm của anh xét cho cùng cần cho ai nếu như nó không giúp cho anh sống ráo riết trong từng giây phút một. Tôi nghĩ có lẽ sức truyền cảm cô đúc trong các con chữ ở các nhà văn lương thiện chính là sự ráo riết ở ý nghĩa từng con chữ ấy. Đây chính là cái Đẹp vì từ lâu người ta đã coi cái Đẹp là sự sống và sự giản dị là điều kiện thiết yếu của nó.

* Khi gặp nhiều nhà văn ở ta, tôi thường ngạc nhiên trước thái độ khinh bạc của họ với lý luận phê bình văn học. Tôi không thích thái độ khinh bạc ấy, mặc dù thái độ ấy của họ có thể giải thích được.

* Một nhà văn, một người sáng tác phải coi lý luận phê bình như sự tự ý thức của anh ta. Tính chất khoa học trong công việc của nhà văn là ở chỗ này. Chỉ có những nhà văn - "nhà bác học" mới hòng xây dựng được những tác phẩm thiên tài.

* Xây dựng hệ thống lý luận cho công việc sáng tác có ba bảy đường: Lý luận gì? Lý luận thế nào? Tất cả những điều này là thước đo giá trị thực sự của nhà văn.

Đối tượng của văn học là con người. Văn học là khoa học về con người. Tôi không tin những nhà văn không có lý lẽ xác đáng về con người có thể viết hay được. Song, "những lý lẽ xác đáng" ấy ở ngay những nhà văn vĩ đại cũng vụn vặt, đầy thành kiến và bị giới hạn.

* Tìm hiểu về các nhà văn và giới trí thức ở ta, tôi thấy khâm phục trí thông minh, sự hiểu biết, vẻ duyên dáng cũng như óc hài hước của một số người. Nhưng khi xem xét tiểu sử cuộc đời và trước tác của họ, tôi đau lòng nhận ra đa số không vượt qua được tình trạng người xưa đặt tên cho họ là "kẻ sĩ giỏi văn".

* Những nhà văn thiên tài hầu hết phải trải qua những tình huống hết sức oái oăm trong số phận của mình. Những khát khao đều phải trả giá. Những khát khao của cá nhân nhà văn phù hợp với khát khao của nhân loại thì nhà văn sẽ làm lễ đăng quang cùng nhân loại. Ngược lại những khao khát của cá nhân nhà văn bệnh hoạn thì bệnh hoạn sẽ làm ma hậu hĩ cho anh.

* Ở nhà văn, sức mạnh không ở bản thân nhà văn mà ở độc giả của họ. Chịu khó quan sát, ta sẽ thấy những cô gái mới lớn, hết sức đức hạnh và trong trắng lại lén lút đọc những truyện nhảm nhí. Người anh hùng của các thiếu nữ hoa niên không phải là những tấm gương sáng đạo đức mà lại là những gã Don Juan nào đó.

Ở những người đàn ông bán trời không văn tự, cuộc đời đầy những sóng gió bất hảo thì thần tượng văn học của họ lại là những gương sáng đạo đức. Nghịch lý ở chỗ ấy. Điều này buộc nhà văn phải lý giải nếu anh thực sự muốn anh thành nhà văn đáng giá của thời đại anh đang sống.

* Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình. Lúc ấy tác phẩm của anh mới là một tác phẩm xứng đáng. Tính chất hợp thời của một nhà văn đáng kể ở chỗ này.

* Gạt sang một bên sự nhếch nhác của hiện thực, nhặt ra những mảnh vụn sang trọng trong tư tưởng nhà văn, cưu mang nó, đấy chính là tiến bộ. Loài người đã nhích từng tí một đến chân lý nhờ những hạt vàng tư tưởng ấy.

* Một trong những thiếu sót lớn của các nhà văn hiện đại ở ta là họ chỉ hiểu biết sâu sắc dân tộc Việt, hiểu biết sâu sắc nước Việt theo lối một nghệ sĩ chứ không phải theo lối một nhà tư tưởng.

Việc hiểu biết dân tộc theo lối một nghệ sĩ không phải là không hay và không đáng tôn trọng, nhưng điều đó sẽ hạn chế sức nặng trong tác phẩm văn chương.

Sự hiểu biết dân tộc theo lối một nhà tư tưởng đòi hỏi nhà văn một sức làm việc phi thường, một lòng dũng cảm phi thường, một nghị lực phi thường, một sức chịu đựng phi thường. Sự cám dỗ của Thượng đế ở thiên đường và sự cám dỗ của Quỷ sứ ở địa ngục đều rất hấp dẫn.

* Văn chương vẫn là một trò chơi phong lưu bậc nhất của con người, ít nhất về phía tôi, tôi nhận thấy thế. Tại vì sao? Tại vì nó là cái gì đấy anh phải nhìn lại nội tâm của mình, nó như thứ rèn luyện bản thân mình. Nó là đạo, xác định cho anh con đường đi cho nó đúng đắn hơn, hợp đối với anh. Có nhiều đạo lắm, nhưng văn chương nó là đạo và nó khiến cho anh làm văn chương luôn luôn tìm ra được con đường đi hợp với mình.

* Nhà văn là người biết sống trung dung, phong lưu, tri túc, “cầm kỳ thi họa đủ mùi ca ngâm”. Không dễ gì tổ chức được một cuộc đời như thế.

Rất khó, khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức, mà khó nhất lại là đạo đức! Các cụ ngày xưa nói “có đức mặc sức mà ăn” là vô cùng sâu sắc, vô cùng tế nhị. Ngày xưa có đạo hơn, con người sống giản dị nên ít bệnh.

Bây giờ đuổi theo vật chất, vô đạo. Tôi là một trong những ca điển hình. Mình phải trả giá. Ngày xưa sống thanh đạm, gần đạo hơn, nét mặt vô tâm thư giãn chứ không cố ý thư giãn.

* Tôi nhận ra một điều, cái xuất xứ của nhà văn quan trọng lắm. Mình phải làm sao có mặt đúng lúc, chứ sớm hơn hoặc muộn hơn thì có tài giỏi đến đâu, nhiệt huyết lớn lao đến đâu mà nó lỡ trớn thì cũng bại. Nhiều khi trong viết lách cũng thế, đôi khi tôi cũng lặng im, để tác phẩm của mình vào ngăn kéo.

Nhưng nhìn chung, trong 30 năm đổi mới, đường văn của tôi khá thông đồng bén giọt. Có thể nói tôi xuất hiện đúng lúc, đúng năm bắt đầu Đổi mới 1986.

Mọi người vẫn gọi Nguyễn Huy Thiệp là “cập thời vũ” (mưa đúng lúc). Truyện ngắn “Tướng về hưu” ra sớm thì cũng hỏng mà ra muộn thì cũng vớ vẩn. Đấy, tôi được cái thời.

* Nghề văn là một công việc đặc biệt, tỉnh quá không viết được, mê quá cũng không viết được, phải nửa mê nửa tỉnh. Viết thực quá cũng hỏng mà bịa đặt hư cấu quá cũng hỏng.

Viết mức độ thế nào cũng phải tùy thời. Có lúc 7 thực 3 hư, có lúc 7 hư 3 thực, tùy vào thời thế, tùy vào xuất xứ của nhà văn. Nhiều khi ảnh hưởng của thời thế tác động trực tiếp đến bản thân mình nhưng cũng có những tác động như là tâm linh.

* Tôi viết truyện “Tướng về hưu” khi mình đã 36 tuổi, khi đã sống được nửa đời người. Không dễ dàng, không dễ dàng gì... Cái khó không phải là viết, cái khó là sống như thế nào để có cái gì mà viết.

* Nghề viết văn là một nghề rất khó. Ai cũng có thể viết được nhưng để trở thành một nhà văn, được mọi người coi mình là một nhà văn - nhất lại là một nhà văn lớn - thì không dễ dàng gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn chương vẫn là một trò chơi phong lưu bậc nhất