Vẫn còn đây dấu son Cứu Quốc

TÙNG DUY - XUÂN TRƯỜNG 25/01/2022 14:00

Bản Cây Mơ dưới chân núi Hồng xứ Tuyên có một mảnh vườn cây trái mát mẻ nhưng rất đặc biệt - trong vườn cắm một tấm bia cũ bằng xi măng ghi chữ "Địa điểm Ban Biên tập Báo Cứu Quốc 1947".

Ảnh: Tùng Duy.

Đã 20 năm nay, gia đình ông Ma Văn Bằng, chủ nhân của mảnh vườn, coi sóc tấm bia như một kỷ vật đặc biệt, dẫu nó rất sơ sài cắm ở góc vườn. Một ngày cuối năm 2002, cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang đã về đây (bản Cây Mơ, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) gặp và trao đổi với gia đình ông Bằng để cắm tạm tấm bia xi măng nhỏ. Tấm bia dòng chữ "Địa điểm Ban Biên tập Báo Cứu Quốc 1947".

Cán bộ nói rằng đây là dựng tạm để đánh dấu một mốc tích lịch sử quan trọng của Báo Cứu Quốc khi tòa soạn ngày xưa từng nương náu, hoạt động tại một ngôi nhà sàn trên mảnh vườn này. Ngôi nhà sàn đó là của cụ Ma Văn Hạ - chính là ông nội của ông Bằng.

Tờ nhật báo duy nhất phát hành từ sơn cước cách mạng

Cứu Quốc tuyên truyền, kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng đánh Pháp đuổi Nhật, đập tan ách đô hộ của đế quốc xâm lược, để nước nhà được độc lập, tự do. Cứu Quốc giãi bày nỗi lầm than của muôn dân, trăm họ. Cứu Quốc cũng là người chỉ lối cho đồng bào cùng tiến lên giải phóng dân tộc... Đó là những tôn chỉ hoạt động của tờ báo ngay từ những ngày đầu ra đời đã được Tổng Bí thư Trường Chinh (Chủ nhiệm kiêm Chủ bút) và các đồng chí Lê Quang Đạo, Lê Toàn Thư (Ban Biên tập) cùng các phóng viên thực hiện nhất quán tuyệt đối.

“Gia đình tôi tự hào lắm, cũng là hồng phúc của tổ tiên, thấy như kháng chiến thành công có đóng góp phần nào của ông nội ngày xưa. Tấm bia Báo Cứu Quốc chúng tôi vẫn bảo nhau coi giữ, xem đây là báu vật vô giá của lịch sử và của chính gia đình mình". – Ông Ma Văn Bằng, bản Cây Mơ, xã Hợp Thành (Sơn Dương, Tuyên Quang).

Ngay sau khi chiếm đóng Sơn Tây đầu năm 1947, giặc Pháp bắt đầu những cuộc tấn công mở rộng khiến Phú Thọ, nơi đặt tòa soạn Báo Cứu Quốc, không còn an toàn. Tại một địa điểm bí mật ven bờ sông Lô, Tòa soạn nhận lệnh di chuyển qua bến Bình Ca hướng lên xứ Tuyên. Nơi đến là một bản người Tày, ở xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Tại đây cơ quan cực kỳ quan trọng của Tổng bộ Việt Minh đã được gia đình cụ Ma Văn Hạ ở thôn Cây Mơ nhường lại căn nhà sàn rộng lớn làm trụ sở chính, còn cả gia đình cụ lui vào chân núi dựng ngôi nhà khác.

Toà soạn ngày ấy cả thảy chỉ có 20 cán bộ, phóng viên, nhân viên. Đồng chí Xuân Thuỷ là chủ nhiệm, kiêm chủ bút. Thư ký toà soạn là đồng chí Nguyễn Văn Tân, họa sĩ Trần Đình Thọ, còn đồng chí Nguyễn Tiêu phụ trách điện đài ghi chép tin tức… Núi rừng xứ Tuyên đi lại vô cùng khó khăn nhưng các phóng viên nỗ lực bằng mọi cách đi về các địa phương để thu thập thông tin, viết bài chuyển về Toà soạn. Cây bút và cuốn sổ nhỏ là hành trang tác nghiệp duy nhất thời ấy.

Nhà in thì đặt tại nhà ông Chu Văn Út, gần nhà ông Ma Văn Hạ. Nhà in có khoảng 30 người do đồng chí Nguyễn Văn Hải phụ trách, đồng chí Vũ Quốc Định làm quản đốc. Các bộ phận sắp chữ, đúc bản chì, ráp giấy, in ấn cùng các máy móc được đặt dưới gầm nhà sàn. Anh em công nhân ngày đó vừa ở tập trung trên nhà sàn, vừa linh hoạt phân tán ở nhờ các gia đình khác trong thôn. Hai chiếc máy in, chiếc nhỏ dùng sức người, chiếc to chạy bằng máy phát điện.

Năm tháng chiến tranh cực khổ vô cùng nhưng bà con bản Cây Mơ luôn hết lòng giúp đỡ tòa soạn và nhà in. Khi dựng thêm cái lán, lúc sửa bể nước mưa, rồi củ khoai, bắp ngô, quả bí cùng nhau chia sẻ ấm áp, bản Cây Mơ bao bọc, tiếp sức cho cán bộ Việt Minh nhanh chóng ổn định cơ sở vật chất để có thể bắt tay ngay vào hoạt động.

Thiếu thốn, no đói cùng bản Cây Mơ, rồi cái khó ló cái khôn, tay quay máy in vận hành bằng vài sức người xúm lại mà chỉ cho ra lò 2.000 tờ/ngày, anh em tìm cách thay bằng cần đạp chân, vừa đỡ tốn sức, năng suất thì tăng lên 5.000 tờ/ngày. Nguồn giấy rất thiếu, hồi ấy báo chỉ có 4 trang in ty-pô trên khổ giấy 30x40cm nhưng luôn có những xã luận, bình luận sắc bén đấu tranh, phản bác chiến tranh, thành tích chiến đấu của vệ quốc quân, sản xuất của nông dân ở hậu phương, lại có cả phần tin tức trong nước, quốc tế...

Từ bản Cây Mơ hẻo lánh, báo in xong được anh em chuyển đi bằng xe đạp thồ ngay trong đêm tới thị xã Tuyên Quang rồi phân phát khắp nơi. Cứu Quốc cõng theo sứ mệnh tuyên truyền đặc biệt, hiệu triệu toàn dân đi theo cách mạng, khí thế chống giặc hừng hực từ thị thành đến nông thôn. Tờ báo của Tổng bộ Việt Minh ngày ấy là duy nhất xuất bản hằng ngày, không ngơi nghỉ một giây phút nào với nỗ lực cao nhất của từng cán bộ, phóng viên, nhân viên nhà in, phát hành...

Ba tháng sau đó, tháng 6/1947, giặc Pháp đã phát hiện khu vực xã Hợp Thành có những dấu hiệu hoạt động của lãnh đạo cấp cao của Việt Minh, chúng huy động nhiều lần máy bay đến đánh phá. Tòa soạn báo Cứu Quốc di chuyển lên Bắc Kạn rồi quay sang Bắc Giang, Thái Nguyên, cho tới tháng 10/1950 thì chuyển về bản Khây ở xã Kiên Đài (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Xuân Thủy và Ban Tuyên huấn Trung ương.

Kiên Đài có địa thế hết sức hiểm trở, rất phù hợp phòng thủ và quan sát từ xa, là vùng An toàn khu giữa tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn, cũng là nơi ở và làm việc của nhiều cơ quan Trung ương. Tại đây, Báo Cứu Quốc vinh dự lần đầu tiên đưa tin công khai về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng diễn ra từ ngày 11-19/2/1951 tại một khu rừng rậm thuộc xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Cuối năm 1950 đầu 1952, các cơ quan Trung ương lại rời bản Khây chuyển về Tân Trào, Sơn Dương. Tòa soạn Cứu Quốc cùng di chuyển theo.

Tại An toàn khu, dù bận vô vàn công việc cấp bách, Bác Hồ vẫn luôn quan tâm đến báo Cứu Quốc, hằng ngày Bác dành thời gian đọc báo, đánh dấu chỗ sai, thậm chí Bác còn trực tiếp đọc kỹ một số bản thảo tin bài quan trọng, bổ sung biên tập và gửi lại cho đồng chí Xuân Thủy. Và chính Bác cũng thường xuyên cộng tác viết bài cho báo, ký tên bút danh Đ.X.

Bia lưu niệm Ban Biên tập Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết.

Đất và người bản Tày lưu giữ dấu son đỏ Cứu Quốc

Ngày 20/1/2014, di tích Báo Cứu Quốc tại thôn Cây Mơ được tỉnh Tuyên Quang xếp hạng di tích cấp tỉnh. Giờ cái nhà sàn cũ của cụ Hạ không còn nữa, đã được ông Bằng thay mới bởi một căn mái bằng ốp đá gốm hiện đại, khang trang, có tường gạch bao quanh, sân vườn trồng hoa sạch sẽ, cây cối xanh tốt, khu chuồng trại nuôi gà lợn đẩy lùi phía sau. Ông Bằng vẫn hằng ngày lưu giữ góc vườn có tấm bia xi măng ấy mà không dự định quy hoạch gì. Ông biết gia đình mình đã rất vinh dự có "địa chỉ đỏ" của một phần lịch sử cách mạng.

"Địa phương cũng rất mong điểm di tích đỏ của Báo Cứu Quốc ở bản Cây Mơ sớm được xây dựng xứng tầm với giá trị lịch sử của một tờ báo cách mạng, cũng là để thế hệ trẻ tìm về tham quan, tìm hiểu và tri ân tưởng nhớ” - Ông Hoàng Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cũng bộc bạch với chúng tôi. Ông cho biết xã Hợp Thành có hơn 20 điểm di tích lịch sử, đã có nhiều điểm xuống cấp cần sớm tôn tạo, mặc dù đã là một xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ở vùng núi, kinh phí eo hẹp. Chính người Hợp Thành đã có những kiến nghị mong các điểm di tích sớm được nâng cấp khang trang, tạo điểm nhấn cho khách tham quan tìm về cội nguồn cách mạng và nghiên cứu lịch sử.

Đất và người xứ Tuyên đã chở che, nuôi dưỡng, tiếp thêm sức mạnh để Báo Cứu Quốc vượt trùng thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tri ân thế hệ tiền bối của tờ báo, với sự giúp đỡ của người dân thôn Cây Mơ và Đảng ủy xã Hợp Thành, Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã phối hợp với Huyện ủy, MTTQ, Phòng Văn hóa huyện Sơn Dương cùng gia đình ông Ma Văn Bằng đã xây dựng tấm bia di tích lịch sử quan trọng này trước Lễ kỷ niệm 80 năm ngày Báo Cứu Quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết, phát hành số báo đầu tiên.

Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:

1/Tập Đoàn Novaland

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank

6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank

7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV

8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.

10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn còn đây dấu son Cứu Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO