Theo báo cáo tình hình dịch bệnh tại Hà Nội trong tuần vừa qua (từ ngày 24/6 đến ngày 30/6), đã có 162 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, các ca mắc rải rác tại 85 xã, phường, thị trấn của 23 quận, huyện, thị xã.
Cùng với sốt xuất huyết, các bệnh tay chân miệng, viêm màng não do virus, sởi, ho gà… cũng có nguy cơ tấn công sức khoẻ con người Ảnh: TL.
Dịch bệnh diễn biến thất thường
Luỹ tích năm 2019 tại Hà Nội đến nay đã ghi nhận 820 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hiện 725 trường hợp đã khỏi bệnh, còn 95 trường hợp đang tiếp tục được điều trị và không có trường hợp tử vong. Theo đó, một số quận tại Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao là: Hà Đông (150 trường hợp); Bắc Từ Liêm (88 trường hợp); Cầu Giấy (73 trường hợp); Đống Đa (69 trường hợp) và Nam Từ Liêm (65 trường hợp).
Từ những con số thống kê trên, có thể thấy sốt xuất huyết đang ngày một gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ đe doạ đến sức khoẻ của nhiều người. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã giảm so với cùng kỳ 5 năm (2014-2018), nhưng trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết không ngừng gia tăng do thời tiết mùa hè là môi trường thuận lợi để muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển.
Cùng với sốt xuất huyết, các bệnh nguy hiểm khác như: tay chân miệng, viêm màng não do virus, sởi, ho gà… cũng có nguy cơ tấn công sức của con người. Số liệu thống kê tính chung 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước đã có gần 18,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 255 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus (10 trường hợp tử vong); 11 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu (1 trường hợp tử vong); 27,4 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi trong đó có 4,7 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính.
Chủ động phòng bệnh
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nhiều người dân có quan điểm sai lầm cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue chỉ sinh sản và gây bệnh sốt xuất huyết ở môi trường ao tù, nước đọng. Tuy nhiên, loại muỗi này thường được biết đến với cái tên muỗi vằn, có khả năng sinh sản cao và tập tính đẻ ở nơi nước trong. Trung bình một vòng đời, loại muỗi này sống được từ 1 đến 2 tháng, sau mỗi lần hút máu no khoảng 3 ngày lại đẻ trứng một lần.
Bên cạnh đó, không ít người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan với bệnh sởi. TS.BS Đoàn Thu Trà- Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) cho biết, người lớn vẫn thường chủ quan, không nghĩ rằng bản thân có thể mắc bệnh sởi nên khi phát hiện có biến chứng nặng: viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm màng não,… rất nặng mới đến BV để chữa trị. Bệnh sởi khi bùng phát ở người lớn có thể trở thành nguồn lây dễ dàng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, gây ảnh hưởng không nhỏ đến miễn dịch của cộng đồng.
Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, TS.BS Nguyễn Văn Lâm- Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi trung ương) cho hay, cách phòng tránh bệnh sởi hiệu qủa nhất là tiêm vắc xin để phòng bệnh. Đối với mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả tăng lên 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa mắc sởi nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.
Trước nguy cơ bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và bệnh sởi. Hàng tuần, Sở Y tế sẽ có văn bản gửi các quận, huyện có nguy cơ cao về dịch sốt xuất huyết để cảnh báo và khuyến nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức vòng sơ khảo Hội thi đội chống dịch cơ động giỏi để góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng điều tra, xử lý dịch cho các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng đáp ứng khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Trong khi thời tiết có nhiều diễn biến thất thường, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần đặc biệt chú ý các biện pháp để phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm. Khi phát hiện các dấu hiệu, biểu hiện của bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, các gia đình cần phải lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch, thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.